Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

1616
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 11:09 13/03/2014
Rà soát các tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương
Ngày 12/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã chủ trì tổng kết công tác Ban Chỉ đạo năm 2013 và nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch năm 2014.

Rà soát các tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay các bộ, ngành đã hoàn thành cơ bản hệ thống các cơ chế, chính sách theo phân công.

Công tác kiểm tra, giám sát ở các địa phương được các thành viên thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tại các địa phương, sau khi rà soát lại quy hoạch, đến nay đã có hơn 93% số xã của cả nước hoàn thành quy hoạch chung (trong đó cao nhất là Bắc Trung Bộ đạt 99,9%; Đồng bằng sông Hồng đạt 99,6%; Tây Nguyên đạt 92,3%).

Việc quy hoạch đã có tác dụng tốt tới việc tuyên truyền xây dựng nông thôn mới cho người dân, qua đó người dân phấn khởi và có cơ hội tham gia quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới của mình và nhất là trong xây dựng hạ tầng.

Về lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, đến nay, cả nước đã có 81% số xã đã phê duyệt xong đề án sau khi rà soát bổ sung (trong đó, Bắc Trung Bộ có 94% số xã đã hoàn thành đề án; Tây Nguyên 92%; Duyên hải Nam Trung Bộ 89%).

Các địa phương vẫn ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, coi đó là yếu tố quan trọng nhất để cải tạo bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa, an ninh và đặc biệt là tăng hưởng thụ trực tiếp của người dân, vì vậy được tuyệt đại đa số người dân đồng thuận.

Nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, gắn với nâng cao thu nhập của người dân theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới như Hà Nội, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, An Giang; 144 xã (chiếm 1,6% tổng số xã) đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; 256 xã (6,2%) đạt từ 15-18 tiêu chí.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình còn những khó khăn bất cập như nhiều tỉnh chưa điều chỉnh quy hoạch sản xuất cho các huyện nên thiếu căn cứ cho các xã xây dựng quy hoạch, đề án sản xuất theo lợi thế vùng.

Đề án xây dựng nông thôn mới ở một số cấp xã chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến sản xuất, môi trường; giải pháp thực hiện, nhất là huy động nguồn lực còn thiếu tính thực tiễn.

Đến nay vẫn còn bảy xã “trắng” về tiêu chí, tập trung ở vùng miền núi phía Bắc. Một số địa phương, mức phấn đấu tăng tiêu chí hàng năm còn rất chậm so với năm 2011 như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La. Đồng thời, mức độ phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới hàng năm rất khác nhau giữa các vùng, thấp nhất là vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, để làm tốt việc xây dựng nông thôn mới cần kết hợp xóa đói giảm nghèo với cải thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng sống của người dân; tái cấu trúc sản xuất với tổ chức lại sản xuất hàng hóa để mở cánh cửa cho khoa học công nghệ tham gia xây dựng nông thôn mới.

Một số thành viên Ban chỉ đạo đề nghị nên giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội về nông thôn mới, nhằm giúp nông thôn mới phát triển một cách khoa học, bền vững chứ không chỉ mang tính phong trào.

Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Nhiều nơi có cách làm sáng tạo, vận dụng các quy định của Trung ương phù hợp với địa phương, xây dựng mô hình thành công, huy động được cấp ủy chính quyền, xã hội, người dân tham gia hưởng ứng. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cũng còn một số bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu năm 2014 có 600-700 xã đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước đạt bình quân 10 tiêu chí/xã, số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn dưới 5%, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành Trung ương theo nhiệm vụ được giao tập trung hoàn thành các văn bản hướng dẫn còn thiếu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành về quy trình xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; quy định về lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn xã; sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn chưa phù hợp; tiếp tục rà soát các tiêu chí nông thôn mới, hướng dẫn, hình thành những mô hình thực tiễn ở các địa phương.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trong đó chú ý tới quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp; gắn kết quy hoạch nông thôn mới với quy hoạch đô thị; nghiên cứu phối hợp làm chuyển biến môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng tập huấn kiến thức nông thôn mới cho cán bộ cơ sở và đào tạo nghề cho nông dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp rà soát các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, có cơ chế hỗ trợ các địa phương khó khăn; hướng dẫn các địa phương dành nguồn ngân sách tối thiểu cho chương trình; kịp thời khen thưởng các địa phương làm tốt; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới./.
PHÚC HẰNG (TTXVN) 
Nguồn vietnamplus.vn