Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ bảy, 20/04/2024

3753
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 08:46 15/07/2021
Hội thảo phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Chiều 14-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 .Đồng chí Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có Lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch. Về phía địa phương có Lãnh đạo các tỉnh: Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Quảng Nam, Lâm Đông, Hà Nội, Đồng Tháp, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Hà Giang và Ninh Bình. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Nguyễn Long An - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch,  đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, đại diện Hiệp hội du lịch tỉnh.

Tại hội thảo, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã trình bày “Báo cáo hiện trạng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn”; Đại diện Tổng cục du lịch đã trình bày “Định hướng phát triển du lịch của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và vai trò của du lịch nông thôn”; Viện Chính sách chiến lược và Phát triển nông nghiệp nông thôn cũng đã đưa dự thảo khung “Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”; Tham luận tại hội nghị về “Giải pháp phát triển du lịch nông thôn” có tham luận của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch; Các doanh nghiệp với các tham luận “ Thuận lợi và khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc” của Trang trại Đồng quê Ba Vì; “Một số thuận lợi và khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng trong bối cảnh hiện nay” của Công ty CBT, “Du lịch nông thôn - Dễ hay khó?” của Lửa Việt Tour; “Du lịch nông nghiệp nông thôn - Hướng đến kỳ nghỉ vùng quê” của Công ty du lịch Vòng tròn việt; “ Những yếu tố cốt lõi tạo sản phẩm du lịch cộng đồng bền vững và hấp dẫn với du khách” của Công ty Saigon Asset.

Theo đó, hiện nay, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng, tuy nhiên các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Thống kê sơ bộ từ 37 tỉnh, thành phố với 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Nhìn chung, các địa phương đã bước đầu hình thành và phát triển các tuyến, điểm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch khá phong phú.

Số lao động tham gia vào lĩnh vực du lịch và du lịch nông thôn chưa nhiều; ước tính mỗi tỉnh có khoảng 500-1.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó lao động du lịch nông thôn chỉ chiếm khoảng 5-15% tổng lực lượng lao động trong ngành du lịch. 11/37 tỉnh có báo cáo thống kê về lao động tham gia vào các hoạt động 6 du lịch cộng đồng với tổng số gần 8.500 lao động, trong đó phần lớn tập trung vào các trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế.

Để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng “tích hợp đa ngành”.

Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng NTM bền vững, đồng thời NTM là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch. Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM.

Về phía địa phương các tỉnh: Lâm Đồng, Bến Tre, Sơn La, Quảng Nam,.. cũng đã chia sẻ thực trạng phát triển du lịch nông thôn và các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tham gia tại hội thảo đồng chí Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chia sẻ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện du lịch nông thôn ở các địa phương như: quy hoạch, sản phẩm du lịch, nhu cầu sử dụng đất,… vì vậy hết sức cẩn trọng, từng bước trong xây dựng Đề án.

 Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương, chuyên gia; giao Văn phòng Điều phối NTM T.Ư tổng hợp ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo. Đồng chí Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ giao Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ VH-TT&DL xây dựng Đề án phát triển DLNT gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Trong đề án cần làm rõ phạm vi và đối tượng thực hiện; quan tâm tới chuỗi giá trị kết hợp giữa cơ sở, doanh nghiệp lữ hành; nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển DLNT… Thời gian tới, DLNT phát triển hiệu quả sẽ khơi dậy niềm tự hào của dân cư nông thôn về quê hương, xứ sở, người dân yêu mến, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế cho cộng đồng nông thôn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và thúc đẩy xây dựng NTM bền vững.

Lê Thành Nam - Văn phòng Điều phối  nông thôn mới tỉnh