Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ bảy, 20/04/2024

91
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 10:48 12/10/2022
Hỗ trợ phát triển thương hiệu OCOP “Thịt bò A Lưới”
Hỗ trợ vốn phát triển đàn bò bước đầu tạo sinh kế cho người dân đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa “thịt bò vàng A Lưới” hiệu quả.

Với địa lý, thổ nhưỡng thuận lợi, từ năm 2016 Huyện uỷ A Lưới triển khai Đề án phát triển đàn bò, xây dựng thương hiệu thịt bò A Lưới với việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật nuôi… nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Để triển khai thực hiện phát triển đàn bò, xây dựng thương hiệu thịt bò A Lưới giai đoạn 2016 – 2025, Huyện uỷ A Lưới ban hành Nghị quyết số 03; HĐND huyện A Lưới đã ban hành Nghị quyết số 06; Quyết định số 44 về việc phê duyệt Đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2016 – 2025. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Đề án; phối hợp thực hiện giữa các phòng nông nghiệp, tài chính, ngân hàng…

Theo UBND huyện A Lưới, tổng số tiền vay vốn để mua bò từ giai đoạn 2016-2019 là hơn 14 tỷ đồng, đến nay có 120 hộ vay vốn (từ năm 2016, 2017) đã tất toán với ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn với số tiền hơn 10 tỷ đồng; còn 73 hộ vay có số dư nợ chưa đến kỳ trả với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.

Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp từ đề án là 8,9 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2020 hỗ trợ thực hiện đề án là 8,1 tỷ đồng; trong đó: hỗ trợ 70% lãi suất vay vốn ngân hàng cho người dân đạt 6,6 tỷ đồng; hỗ trợ trồng cỏ 269 triệu (22,4ha), hỗ trợ chi phí xây dựng chuồng trại 570 triệu đồng (190 chuồng)…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, qua 7 năm thực hiện Đề án (2016-2022) đã từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rong, không có chuồng trại sang chăn nuôi có kiểm soát, chuồng trại đảm bảo, từ chăn nuôi dàn trải manh mún sang chăn nuôi có ứng dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi có đầu tư thâm canh, có hiệu quả cao. Hình thành nên một nghề có tính bền vững, khai thác tốt thế mạnh của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho nông dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, người nông dân đã tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của việc chăm sóc nuôi dưỡng bò an toàn sinh học, từng bước gây dựng đàn bò lai chất lượng cao, mở rộng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đem lại hiệu quả kinh tế, đời sống và thu nhập của người dân được nâng cao.

Hướng tới “thịt bò A Lưới” chuẩn OCOP 4 sao

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới – ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện huyện đang đẩy nhanh tiến độ và dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành việc đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm thịt bò vàng A Lưới. Đây sẽ là nền tảng để huyện đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm thịt bò A Lưới, tạo cơ sở đẩy mạnh và phát triển bền vững chăn nuôi bò.

Song song với đó, hướng tới xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với chế biến để tăng giá trị gia tăng cho thịt bò, năm 2021, huyện A Lưới đã làm hồ sơ và sản phẩm “thịt bò vàng A Lưới” đã đủ điều kiện được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Không dừng lại ở đó, huyện đang tích cực hỗ trợ các hộ chăn nuôi, chế biến nâng cao chất lượng đàn bò và sản phẩm thịt bò để sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn trở thành sản phẩm OCOP 4 sao của huyện.

Thời gian tới, huyện A Lưới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2025, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi tập quán chăn nuôi trong nhân dân, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phát huy hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình dự án để phát triển đàn bò, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.

Tại buổi làm việc với huyện A Lưới về công tác giảm nghèo bền vững mới đây, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, công tác giảm nghèo phải xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, vươn lên của người dân; xác định giảm nghèo bền vững gắn liền với xây dựng nông thôn mới; có phương án giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo.

“Đối với đề án phát triển thương hiệu “Thịt bò A Lưới - Ngân hàng bò”, để chương trình tiếp tục duy trì và phát triển bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ sinh kế cho người dân; chính quyền địa phương xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện nhằm phát huy hiệu quả, chất lượng đàn bò, giúp cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững”, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đề nghị.

CTV