Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

435
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 09:54 11/08/2021
Triển vọng phát triển OCOP từ cây Ba kích tím và tràm gió
Ba kích tím và tràm gió được xem là những giống cây có hiệu quả kinh tế xã hội cao và nằm trong danh mục 12 giống cây dược liệu được tỉnh quan tâm. Việc phát triển hai giống cây này có vị trí rất quan trọng trong chương trình OCOP của Thừa Thiên Huế.

Vừa qua Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức hội nghị giao trực tiếp dự án phát triển hai giống cây này cho Công ty TNHH nhà nước một thành viên lâm nghiệp Tiền Phong Thừa Thiên Huế (Lâm Nghiệp Tiền Phong).

Đề tài do kỹ sư Tôn Thất Ái Tín làm chủ nhiệm phối huyện Nam Đông, Trường đại học Nông Lâm-Đại học Huế triển khai thời gian 2 năm (6/2021-6/2023) với kinh phí gần 2,9 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học hơn 2,7 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề tài là hướng đến sản xuất 200 nghìn cây giống Ba kích tím và Tràm gió Invitro chất lượng để xây dựng mô hình trồng thử nghiệm và cung cấp cho các đơn vị, cộng đồng người dân Thừa Thiên Huế gây trồng trong năm 2021 và 2022. Xác định được kỹ thuật huấn luyện hai loại cây này ở giai đoạn vườn ươm nhằm tối ưu hóa quy trình nhân giống nuôi cấy mô, nâng cao chất lượng cây giống, giá thành hợp lý.

Bên cạnh đó xác định biện pháp kỹ thuật và chăm sóc hai cây dược liệu này cho sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao có độ vượt trội trên 10% so với kỹ thuật trồng đại trà hiện nay ở địa phương. Đồng thời xây dựng vườn ươm để huấn luyện cây mô Ba kích tím và Tràm gió cho năng suất chất lượng, góp phần hoàn thiện và tối ưu hóa quy trình nhân giống ở địa phương...

Đề tài được hội đồng khoa học đánh giá cao về tính mới cũng như năng lực thực hiện của đơn vị chủ trì. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, Lâm Trường Tiền Phong là công ty có đội ngũ trình độ lao động cao, cơ sở hạ tầng hiện đại, có khả năng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cây giống chất lượng cao.

Được biết trước đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”. Đối với nội dung quy hoạch phát triển vùng dược liệu và lựa chọn loài dược liệu ưu tiên, tỉnh sẽ triển khai xây dựng quy hoạch phân vùng phát triển các loài dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KHCN liên quan đến nghiên cứu cơ bản, xây dựng mô hình để phát triển các loài dược liệu thuộc 12 loài dược liệu (trong đó có ba kích tím và tràm gió) đã được lựa chọn trong Đề án.

CTV

Tin, ảnh: Minh Văn