In trang

Thừa Thiên Huế đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Cập nhật lúc : 21:56 06/01/2022

Đó là một trong những mục tiêu trọng tâm của Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 do UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 409/KH-UBND ngày 31/12/2021

Theo đó, Thừa Thiên Huế phấn đấu trong năm 2022 tăng thêm ít nhất 04 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Phong Điền và thành phố Huế phấn đấu hoàn thành đủ điều kiện để đề nghị TW thẩm định xét, công nhận đạt chuẩn trong năm 2023. Riêng huyện A Lưới phấn đấu có ít nhất 20% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM.

Đối với các xã còn lại, phấn đấu số tiêu chí đạt chuẩn bình quân tăng 0,3 tiêu chí /xã/năm và nâng chất lượng tiêu chí theo lịch trình kế hoạch đã đề ra. Trong đó cần ưu tiên tập trung thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh.

Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch: 96%, khu vực nông thôn: 93%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 toàn tỉnh giảm: 1,0-1,5%,

Mặt khác để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể thực hiện các chương trình, đề án trong khuồn khổ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2021 như: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM, Đề án về phát triển du lịch nông thôn, Đề án môi trường và cấp nước sạch nông thôn, Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh

Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức của năm 2022, kế hoạch cũng đề ra những giải pháp cụ thể, theo đó, tiếp tục tăng cường và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào Chương trình; Phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội,  đoàn thể nhân dân các cấp để thực hiện Chương trình bảo đảm mục tiêu và hiệu quả cao theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI đã đề ra; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tham gia thực hiện Chương trình

Đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chủ động xác định nội dung, giải pháp bảo đảm duy trì và đạt chuẩn; Tập trung xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn cho các xã, huyện theo hướng xanh - sạch -sáng và đẹp, các khu dân cư, thôn, bản kiểu mẫu, nhất là các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiến tới hình thành các vùng quê đáng sống.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đi vào chiều sâu nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” để làm cơ sở huy động sự vào cuộc của người dân. Từ đó mới có những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo người dân, sự đóng góp công sức, trí tuệ và nguồn lực từ xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình.

Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh phân công cho các sở, ban ngành, địa phương chịu trách nhiệm từng lĩnh vực, nội dung, mục tiêu cụ thể để bảo đảm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình, bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao.

Đồng thời, sớm kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp. Củng cố, kiện toàn Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, huyện theo hướng chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tăng cường bố trí cán bộ chuyên trách nông thôn mới, trước hết là cán bộ chuyên trách phụ trách công tác tài chính, giám sát, OCOP Chương trình ở cấp tỉnh,...

Dự kiến tổng nguồn lực huy dộng thực hiện kế hoạch Chương trình trong năm 2022 là 2.532 tỷ đồng./.

Lê Thành Nam - Phó Chánh VPĐP NTM tỉnh