In trang

Môi trường: Nâng cao tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Cập nhật lúc : 10:27 19/06/2014

(TTH) - Đó là khẳng định trong hướng xử lý rác thải của ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường. Đánh giá khái quát về tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn hiện nay; ông cho biết:

Khu vực nông thôn hiện có 96/152 xã, phường, thị trấn có bãi rác trung chuyển và có hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Các xã, phường, thị trấn khác, chất thải sinh hoạt vẫn được đổ nơi công cộng, triền núi, ao hồ, ven bờ biển và khu vực đầm phá... Một số ít được chôn lấp, đốt trong vườn của các hộ nông thôn. Lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn chiếm khoảng hơn 46% tổng lượng chất thải của khu vực. Mỗi ngày còn hơn 100 tấn chất thải rắn sinh hoạt của khu vực nông thôn, một phần của vùng đầm phá chưa được thu gom.
So với trước đây, vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được cải thiện hơn. Ý thức của người dân từng bước được nâng lên. Tại một số xã thuộc các huyện/thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc… đã hình thành hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức tổ, nhóm, hợp tác xã với sự hỗ trợ kinh phí từ chính quyền địa phương và nguồn thu từ phí vệ sinh môi trường do các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các hộ gia đình đóng góp. Nhờ vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường từng bước được cải thiện. Song, vẫn còn nhiều nơi chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom, nhất là ở vùng núi, khu vực khó khăn trong vận chuyển rác nên đã tạo ra những điểm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các bãi chôn lấp rác sinh hoạt tự phát, không đúng quy hoạch, không hợp vệ sinh, không được kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã và đang được giải quyết.
Vậy để việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn đạt hiệu quả hơn, Chi cục sẽ có những giải pháp gì?
Giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cộng đồng hiểu, cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường, nâng cao tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.
Theo quy hoạch về thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh đến năm 2020, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh tại các trung tâm huyện lỵ của các huyện, thị xã. Chi cục hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng kinh phí 1.093,12 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng Nhà máy xử lý rác sinh hoạt và sản xuất một số sản phẩm từ rác của Công ty TNHH Môi trường An Phát tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy với diện tích sử dụng giai đoạn 1 là 20ha, công suất xử lý 200 tấn rác/ngày, đêm. Công ty TNHH NN Môi trường và Công trình đô thị Huế xây dựng dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy với tổng mức đầu tư là 300 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã có chủ trương xây dựng phương án xử lý rác thải sinh hoạt Phú Xuân (Phú Vang) với tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng; Dự án xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại Hương Bình (Hương Trà) với quỹ đất 40 ha đã được quy hoạch và tỉnh cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư để triển khai dự án này… Bên cạnh đó, một số mô hình xử lý rác sinh hoạt theo quy mô hộ gia đình cũng đang được thí điểm tại các địa phương và mô hình xử lý rác sinh hoạt theo cụm do Tổng cục Môi trường chủ trì cũng chuẩn bị triển khai tại hai điểm: Phong Hải (Phong Điền), Quảng Lợi (Quảng Điền)…
Việc đóng cửa các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thị trấn Sịa (Quảng Điền), thị trấn Khe Tre (Nam Đông), thị trấn Thuận An, xã Phú Hải (Phú Vang), Vinh Hiền (Phú Lộc) đang tích cực triển khai… Mục tiêu đến năm 2015, trên 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, các trung tâm huyện lỵ được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 70% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn, khu vực đầm phá và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường; 100% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý.
PV: Xin cám ơn ông!
Thanh Hải (thực hiện)