Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

2513
+ aa -

Nhà nông cần biết

Cập nhật lúc : 10:40 20/09/2017
Phát triển kinh tế vườn theo hướng hiệu quả cao và bền vững
Thừa Thiên Huế có khoảng 8.682 ha diện tích đất vườn chiếm 15% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp, Đặc điểm cây trồng trong vườn ở đây đa dạng và cho thu hoạch quanh năm, hiệu quả cao và phát triển bền vững

 

Theo số liệu điều tra kinh tế vườn của tỉnh Thừa Thiên  Huế, thu nhập từ kinh tế vườn chiếm 70% tổng thu nhập kinh tế hộ. Vườn ở đây đa dạng, có nhiều loại cây ăn quả được trồng trong cùng một vườn, như cam, ổi, chanh, đu đủ, măng cụt, nhãn, thanh long, dừa, dứa, sầu riêng, tiêu; cây rau màu trồng trong vườn như đậu các loại, rau ăn lá (rau khoai, muống, cải xanh, xà lách), rau ăn quả (mướp, bầu, bí), dưa hấu, dưa hường, dưa gang.

Cây công nghiệp được trồng trong vườn như cây tiêu, cà phê (A Lưới), sắn công nghiệp, cây  mía. Ngoài ra, một số cây dược liệu đang hình thành và phát triển như cà gai leo, diệp hạ châu... tại các vùng cát ven biển, gò đồi.

Đáng chú ý ở Thừa Thiên Huế các cây chủ lực trồng ở vườn như cam, chuối, măng cụt, tiêu… chiếm trên 50% diện tích. Tỷ lệ vườn có thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/ha/năm khoảng 65%; từ 50 - 60 triệu đồng/ha/năm khoảng 25%; từ 70-80 triệu đồng/ha/năm khoảng 7%, tỷ lệ vườn đạt từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm khoảng 3%.

Vườn trồng cây chuyên canh thay thế dần vườn tạp, hiện chiếm tỷ lệ khoảng 30%, đầu ra ổn định và tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch làm vườn và tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP trên các cây trồng chủ lực, giúp nông dân thấy được lợi ích từ kinh tế vườn để đầu tư, cải tạo lập vườn, trồng chuối, cây ăn quả, cây có múi và các loại cây rau màu như sả, ớt, mía, khoai, sắn, gừng, nghệ, các loại rau, làm hàng rào xanh…

Hiện Thừa Thiên Huế đã có một số vườn chuyên canh cây đặc sản nổi tiếng như bưởi, thanh trà. Một số vùng trồng thanh trà có diện tích khá lớn như phường Thủy Biều (thành phố Huế); Hương Vân (thị xã Hương Trà); Phong Thu (huyện Phong Điền).

Quy mô diện tích vườn trồng bưởi thanh trà  bình quân  khoảng là 1.700 m2; trong đó, các vườn có quy mô từ 500 - 1.000 m2 chiếm khoảng 25%, vườn có quy mô 1.000 - 2.000 m2 chiếm khoảng 55%; còn lại là vườn có diện tích lớn hơn 3.000 m2; cá biệt có vườn có diện tích 7.500 m2. Riêng tại Thủy Biều - Huế, diện tích trung bình 2.000 m2/vườn, cao nhất 6.000 m2/vườn, có khoảng 37% vườn có diện tích từ 1.000 - 2.000 m2.

Các địa phương như Thủy Biều (thành phố Huế) và Phong Thu (huyện Phong Điền) đã xây dựng thương hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận với chủ nhãn hiệu "Thanh trà Huế - Thủy Biều" và "Thanh trà Huế - Phong Thu". Hiện Phong Thu đã trồng được khoảng 200 ha cây thanh trà trên đất phù sa được bồi ven sông Ô Lâu. Riêng phường Thủy Biều, thành phố Huế có 140/147 ha thanh trà, năm 2017 thu hoạch đạt sản lượng 900 tấn; doanh thu đạt 27 tỷ đồng; bình quân mỗi ha cho thu hoạch 200 triệu đồng.

Thừa Thiên - Huế hiện phát triển diện tích trồng cây thanh trà lên 1.100 ha, chủ yếu trên đất phù sa bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Các huyện, thị xã có diện tích trồng cây thanh trà lớn như: Hương Trà, 481ha; Phong Điền, 258ha; Quảng Điền, 50ha, Phú Lộc, 60ha và thị xã Hương Thủy 105ha...

Sắp tới, ngoài việc mở rộng diện tích, Thừa Thiên Huế tăng cường liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, việc xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn trái ở đây nhằm quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là đối với Thanh trà Huế. Đây là bước đi đầu tiên mở ra một triển vọng lớn cho đặc sản Huế nói chung và sản phẩm thanh trà nói riêng.

Tuy nhiên, để trở thành một thương hiệu mạnh, cần phải có những chính sách quản lý, sử dụng, quảng bá và phát triển thương hiệu tốt. Sắp tới, các địa phương tiếp tục rà soát để quy hoạch lại các vùng đất trồng thanh trà trên địa bàn, nhất là các vùng đất ven sông, có phù sa bồi đắp; có các chính sách hỗ trợ để người dân phát triển bền vững cây thanh trà, như cho dân thuê đất tối thiểu là 20 năm, hỗ trợ vay vốn...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng việc nghiên cứu để cung cấp nguồn cây giống có chất lượng cao; hỗ trợ về mặt kỹ thuật để người dân phát triển vườn cây thanh tra trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thường xuyên hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu "Thanh trà Huế"; tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi thanh trà Huế, nhằm mở rộng địa bàn tiêu thụ, nâng giá trị kinh tế của loại cây đặc sản nổi tiếng này./.

Theo Báo Dân tộc và Miền núi