Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

685
+ aa -

Nhà nông cần biết

Cập nhật lúc : 16:38 17/05/2021
Tái sử dụng rơm rạ đem lại lợi ích lớn cho nhà nông
Những năm trước, nông dân ở Thừa Thiên Huế làm lúa xong, lượng rơm rạ dư thừa được nông dân đốt ngay trên đồng ruộng, vừa làm ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ thị cấm đốt rơm rạ đồng thời khuyến khích tái sử dụng để tăng thu nhập cho nông dân

Rơm rạ là một loại phụ phẩm nông nghiệp, nếu sử dụng tốt sẽ tạo ra giá trị tăng thêm cho cây lúa. Đem rơm rạ đi đốt là chưa tận dụng được nguồn lợi này.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), lượng chất thải từ lúa chiếm tới 50% chất khô. Nghĩa là cứ 1 tấn lúa, lượng phụ phẩm từ lúa cũng tương đương 1 tấn, khoảng 10 -12 tấn phụ phẩm/ha. Do vậy, hằng năm tạo ra một khối lượng rơm rạ khổng lồ trong quá trình sản xuất.

Khối lượng rơm rạ lớn mà không được sử dụng hết là nỗi lo về các bãi chứa, đe dọa ô nhiễm môi trường, sản xuất lúa vụ tiếp theo, đặc biệt với những địa phương có tỷ lệ về sản xuất nông nghiệp lớn. 

Các chất hữu cơ trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng lớn nước bị bốc hơi. Quá trình đốt rơm rạ ngoài trời không kiểm soát được lượng dioxid carbon (CO2) cùng với CO, CH4, NO2, SO2,... các khí trên đều rất có hại cho sức khỏe con người và làm tăng mức thải khí nhà kính vào bầu khí quyển.

Khoảng 10 năm trở lại đây, được sự vận động của ngành nông nghiệp địa phương và các nhà khoa học khuyến cáo, nông dân đã có nhiều hình thức tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa làm thức ăn cho gia súc, tận dụng rơm rạ để chất nấm rơm giúp tăng thêm thu nhập.

Đặc biệt, sử dụng nấm Trichoderma và chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại đồng ruộng giúp tăng cường nguồn phân hữu cơ cho đất. Tận dụng nguồn rơm rạ để tạo các sản phẩm có giá trị cao hơn như trồng nấm, ủ phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng giúp giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ở nhiều vùng nông thôn, người nuôi bò muốn có rơm phải đi mua, một sào ruộng cả triệu đồng. Hiện nay đã có máy cuốn rơm tạo sự thuận tiện để cất trữ rơm được lâu dài. Ở Thừa Thiên Huế, rơm cũng được dùng làm vào nhiều việc. Nhiều nhất là làm thức ăn thô cho trâu bò, làm nấm rơm; dùng ủ giữ ẩm cho gốc cây, ủ gốc kiệu… Ở nhiều hàng bán các loại vật liệu cho chăm sóc cây cảnh, một bao rơm bán đến 30 ngàn đồng. Cho nên, sử dụng nguồn rơm phong phú, tạo hiệu quả là điều cần tính toán.

Sử dụng máy cuộn rơm sẽ giúp tránh lãng phí nguồn rơm rạ sau thu hoạch. 

 

Tổng đàn trâu bò ở Thừa Thiên Huế cũng kha khá. Tính đến cuối năm 2018 có khoảng 58.000 con. Đây sẽ là một nguồn tiêu thụ rơm rạ rất lớn. Khổ nỗi, nơi nhiều trâu bò thì ít rơm rạ. Hiện nay, người dân nuôi bò nhiều nhất là ở vùng núi và vùng bán sơn địa. Ở vùng đồng bằng, cư dân quần tụ lại thành từng cụm, cộng với tốc độ đô thị hóa nên điều kiện cho chăn nuôi cũng khó khăn hơn, lại là vùng nhiều rơm rạ. Biết đâu điều phối tốt nguồn rơm rạ này nó sẽ sinh ra một ngành nghề kinh doanh hiệu quả - kinh doanh rơm. Tại sao không? Vấn đề là phải nghiên cứu làm sao để thu hoạch rơm hiệu quả (kiểu như máy cuốn rơm đang phổ biến), thu gom và vận chuyển như thế nào để hạ giá thành thấp nhất. Người chăn nuôi mua rơm hoặc làm nấm tính toán ra có chi phí thấp; người kinh doanh, vận chuyển cũng có lãi. 

Rõ ràng ở đây cần một bài toán kinh tế. Vì chuyện đốt rơm liên quan đến cộng đồng và xã hội nên có thể Nhà nước dùng ngân sách để nghiên cứu làm việc này, tìm ra một phương thức giải quyết vấn đề tốt nhất. Biến cái không có ích thành cái có ích; biến cái không lợi lộc gì, thành cái có lợi.

CTV