Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

2227
+ aa -

Mô hình điển hình

Cập nhật lúc : 10:22 19/07/2021
Phát triển mô hình trồng lúa theo chuỗi giá trị ở Thừa Thiên Huế
Sản xuất lúa theo mô hình chuỗi giá trị (CGT), người nông dân không chỉ được hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm mà còn tránh được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Hộ thành viên Trần Phú ở xã Phong Chương (Phong Điền) cùng hàng chục hộ thành viên được HTX Mỹ Phú, xã Phong Chương vận động, hướng dẫn ứng dụng mô hình trồng lúa CGT. Giống lúa mới chất lượng cao HG12 được đưa vào gieo cấy trên diện tích 15ha theo cánh đồng mẫu lớn tại xứ đồng Mỹ Phú trong vụ đông xuân vừa qua, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh (TTKN).

Ông Phú chia sẻ, lần đầu tiên tham gia mô hình, nông dân khá lúng túng, chưa biết hiệu quả thế nào khi cả xứ đồng rộng lớn gieo cấy “giống lúa lạ”. HTX Mỹ Phú làm trung gian bao tiêu sản phẩm, song vì lần đầu tiên nên hộ thành viên, nông dân chưa mấy yên tâm… Ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, người dân được HTX, cán bộ khuyến nông tận tình hỗ trợ, giúp đỡ từ khâu làm đất, gieo cấy, lịch thời vụ và các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Toàn bộ xứ đồng rộng 15ha được gieo cấy cùng một loại giống, cùng thời điểm, các khâu bón phân, chăm sóc, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, thủy lợi cũng được triển khai đồng bộ. Lúa phát triển đồng đều, trổ bông đúng thời điểm, ít sâu bệnh, chắc hạt… cho năng suất bình quân 72 tạ/ha. Điều mà người dân thường lo ngại ngay từ khi bước vào mùa vụ là đầu ra, đã được giải quyết triệt để khi toàn bộ sản phẩm được HTX bao tiêu với giá ổn định, theo cam kết.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc HTX Mỹ Phú đánh giá, dù lần đầu tiên áp dụng mô hình theo CGT, diện tích sản xuất chưa lớn nhưng đã cho thấy nhiều lợi ích cho nông dân. Các hộ có điều kiện liên kết tổ chức sản xuất cùng một giống, thời vụ, cùng một quy trình kỹ thuật, tạo ra lượng lúa gạo hàng hóa đủ số lượng, đồng nhất, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường, người tiêu dùng.

Sản xuất lúa theo CGT không chỉ giúp nông dân yên tâm khi đầu ra đảm bảo, giá ổn định mà còn mạnh dạn hơn khi chọn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai. Ứng dụng mô hình “khép kín” này, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cho nông dân và góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất của HTX. Từ đó giúp người dân hình thành tư duy sản xuất theo nhu cầu của thị trường, chủ động trong tiêu thụ hàng hóa nhằm giảm rủi ro trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc HTX Phú Hồ (Phú Vang), ông Dương Văn Thiệp thông tin, được sự hỗ trợ của TTKN, vụ đông xuân vừa qua, HTX tổ chức sản xuất lúa theo mô hình CGT, cánh đồng mẫu lớn với diện tích 60ha. Mô hình liên kết sản xuất, gieo cấy giống lúa chất lượng sau khi thu hoạch đạt năng suất trên 70 tạ/ha, chất lượng sản phẩm tốt đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người trồng lúa, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.

Chất lượng, giá trị hạt gạo đáp ứng yêu cầu thị trường, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo dựng thị trường tiêu thụ ổn định, người dân không còn lo tình trạng “được mùa mất giá”. Mô hình CGT được xác định là hướng đi đúng, “chìa khóa” mà người nông dân và HTX đang tiếp tục triển khai để tháo gỡ nút thắt tồn đọng lâu nay nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả lúa gạo.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN khẳng định, đơn vị có trách nhiệm trong việc định hướng, tổ chức sản xuất nông nghiệp cho nông dân và các HTX. Mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng theo CGT đã khẳng định hiệu quả, là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế hiện nay. Mô hình CGT góp phần làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết tập trung, cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức sản xuất, quản lý dịch bệnh và dinh dưỡng cho cây trồng. TTKN có trách nhiệm hỗ trợ người dân ứng dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật mới, tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lúa.

CTV