Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ bảy, 20/04/2024

291
+ aa -

Kinh nghiệm NTM ở các tỉnh

Cập nhật lúc : 10:56 29/12/2021
Năm 2022 sẽ là năm hành động với ngành Nông nghiệp
Đó là khẳng định của Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông tại Hội nghị Tổng kết Ngành Nông nghiệp năm 2021 và Triển khai Kế hoạch năm 2022.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông chia vui với ngành Nông nghiệp, khi “mặc dù Covid cả năm liên tục, ngành vẫn có mức tăng trưởng trung bình gần 3%, cao hơn GDP cả nước. Điều rất vui là phần phát biểu của các địa phương đều nhắc đến chuyển đổi số như là giải pháp trọng tâm trong thời gian tới”.

Ông Hùng nhắc tới các sàn thương mại điện tử, cụ thể là PostMart và Vỏ Sò - 2 sàn thương mại điện tử lớn nhất, phục vụ cho ngành nông nghiệp, giúp các hộ nông dân xây dựng thương hiệu như một doanh nghiệp, cung cấp thông tin đến từng cây, từng con.

Điều lợi thứ 3 là phi vật chất hóa, số hóa đất đai, cây trồng, môi trường... đến cả mô phỏng, phân tích, nhanh, không hao phí vật chất. Sau khi tối ưu trên thế giới ảo sẽ quay lại phục vụ thế giới thực.

Người đứng đầu ngành Thông tin & Truyền thông khẳng định năm 2022 sẽ là năm hành động với ngành Nông nghiệp. Cụ thể là trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Thủ tướng giao để làm hạ tầng phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, thì có đến 9 nền tảng dành cho ngành nông nghiệp như: dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa chuỗi cung ứng… Nền tảng được hiểu là một phần mềm nhưng phục vụ cho toàn quốc, đến từng tỉnh, từng xã.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ NN-PTNT thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là Trưởng ban, nâng cấp Trung tâm Chuyển đổi số thành cấp Cục.

Đồng thời, đề nghị Bộ NN-PTNT chọn một số doanh nghiệp công nghệ lớn làm đối tác, triển khai sớm trong nửa đầu năm 2022. “Chuyển đổi số góp phần thành lập giải bài toán thiên niên kỷ của nhân loại, cũng là giải một số bài toán của ngành nông nghiệp. Một trong những giải pháp là thành lập tổ công nghệ cộng đồng đến mức xã, thôn, lấy thanh niên làm nòng cốt”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá ngành nông nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao, đạt kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

“Nhiều quốc gia để xảy ra lộn xộn trong thời gian dịch bệnh, song ngành nông nghiệp đã làm rất tốt, ổn định kinh tế, góp phần vào tăng trưởng dương của cả nước”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, dù có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, theo Bộ trưởng Diên.

Theo lý giải của ông, nguyên nhân nằm ở việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.

Theo lãnh đạo ngành Công thương, để có giải pháp căn cơ bền vững, ngành nông nghiệp cần phối hợp, nâng cao quản lý chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là đưa chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Bộ trưởng Diên cũng gợi ý, rằng ngành nông nghiệp cần xác định rõ thị trường xuất khẩu, trước khi tiếp cận, mở cửa thị trường, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong sản xuất.

Nhằm hướng tới việc “khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN-PTNT tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan, đồng thời đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số, và xây dựng những chuỗi liên kết bền vững.

Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ NN-PTNT trong vấn đề quản lý đất đai. Ngoài ra, ông kiến nghị Thủ tướng trao thêm quyền điều phối cho Bộ NN-PTNT trong những vấn đề liên quan tới sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chia sẻ rằng trong năm 2021 Minh Phú đã xuất khẩu được hơn 53.000 tấn tôm, kim ngạch đạt trên 657 triệu USD, giảm 1,81% về lượng nhưng tăng 11,3% về giá trị.

Ngành tôm trong 20 năm qua đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng vì phát triển nhanh nên đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về môi trường - xã hội, khiến vùng nước ĐBSCL bị nhiễm bệnh tôm trầm trọng. Điều này làm giá thành gia tăng, giảm tính cạnh tranh. Với tình hình hiện tại, nếu Việt Nam không có giải pháp hữu hiệu, chỉ trong 5-10 năm nữa ngành tôm sẽ mất lợi thế cạnh tranh và dần đi xuống.

Ông Lê Văn Quang nhận định rằng cần quy hoạch lại chuỗi giá trị ngành tôm theo hướng thuận thiên, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, dựa trên nền tảng số, liên kết chuỗi giá trị để đảm bảo lợi nhuận cho mọi đối tác tham gia cũng như sinh kế của người dân.

Ông Lê Văn Quang đưa ra một số đề xuất: quy hoạch và đầu tư phát triển nguồn giống tôm nước lợ chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn của UAE đối với tôm thương phẩm; quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị ngành tôm ĐBSCL; quy hoạch nuôi tôm rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, gắn với bảo vệ môi trường rừng sinh thái, tạo sản phẩm chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân; quy hoạch một số vùng có lợi thế về nguồn nước thành các vùng nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao; quy hoạch các vùng quảng canh và quảng canh cải tiến an toàn sinh học, nuôi hữu cơ; quy hoạch tôm - lúa tạo ra vành đai an toàn sinh học; … đặc biệt ưu tiên quy hoạch và đầu tư công trình cấp nước, thoát nước, tích hợp quy hoạch phát triển kinh tế toàn vùng, kết nối giao thông toàn vùng.

CTV