Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/04/2024

835
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 10:24 27/03/2020
Chuyển đổi cơ cấy cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu ở huyện Quảng Điền
Để phát triển kinh tế theo hướng ổn định và tăng trưởng, huyện Quảng Điền đã và đang chỉ đạo các ngành, các cấp chú trọng phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu qua đây nhằm tạo mức tăng trưởng khá cho nền nông nghiệp huyện.

Huyện Quảng Điền có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 10.340,7 ha, hơn 775,14 ha nuôi thủy sản nước ngọt và nước lợ, hàng trăm ha mặt nước phá Tam giang và biển. Đây là nên tảng quan trọng để Quảng Điền vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những năm trở lại đây trước sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu đã gây rất nhiều khó khăn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện nhất là ở các xã ven phá Tam Giang, như Quảng Ngạn, Quảng An, Quảng Công, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng Thái, Quảng Lợi Quảng Phước và thị trấn Sịa. Tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con. Nhiều diện tích lúa chết hàng loạt, người dân phải tiến hành gieo sạ lại.

Theo số liệu thống kế từ phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện cho biết. Những năm trở lại đây tình trạng xâm nhập mặn đang có xu hướng mở rộng, khiến nhiều diện tích lúa của người dân không thể phục hồi tập trung ở các xã ven phá như: Quảng Ngạn, Quảng Công, Quảng Thái, Quảng Lợi… Mới đây nhất, 25 ha lúa mới gieo sạ của người dân 2 xã Quảng Thái, Quảng Lợi phải chấp nhận bỏ bởi ảnh hưởng xâm nhập mặn. Qua trao đổi với ông Hoàng Tuấn Nam, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái được biết: Diện tích lúa ven phá của xã hầu hết đều nhiễm phèn, nhiễm mặn. Mỗi năm xã đều phải trích kinh phí xử lý chua phèn cho đồng ruộng. Riêng vụ hè thu năm 2019, thời tiết diễn biến khắc nghiệt làm chết hơn 10 ha lúa của bà con xã viên HTX Tam Giang, phải gieo sạ lại và tình hình cũng không mấy khả quan vì hiện diện tích này trong tình trạng “chết dần, chết mòn”.

Ngoài Quảng Thái, nhiều xã trên địa bàn huyện đều đang phải gồng mình chống chọi với diễn biến thất thường của thời tiết. Xây dựng lộ trình phát triển nông nghiệp hợp lý với những mô hình có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu được xem là động lực giúp Quảng Điền ổn định sản xuất.

Khảo sát thực tế tại Quảng Thái, vùng đất thấp trũng bỏ hoang được người dân tận dụng xây dựng vùng kinh tế tổng hợp với mô hình lúa xen cá, thả sen nuôi vịt nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Anh Nguyễn Thanh Bình, thôn Lai Hà, xã Quảng Thái-chủ nhân của vùng ruộng trũng với diện tích 3,5 ha này cho hay: Vùng ruộng lúa thấp trũng này trước đây chỉ tập trung sản xuất lúa hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí còn thua lỗ, nhiều năm liền bỏ hoang. Sau khi được tư vấn của cán bộ kỹ thuật về chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, anh mạnh dạng chuyển 3,5 ha chuyên sản xuất lúa sang mô hình tổng hợp lúa xen cá, thả sen nuôi vịt. Nếu thu nhập bình quân cho mỗi ha lúa chỉ đạt 5 triệu đồng/năm, thì hiện nay với mô hình sản xuất tổng hợp này gia đình anh lãi ròng trên 60 triệu đồng/ha/năm. Với đặc thù đất cát pha, điều kiện hạ tầng thủy lợi kém chỉ trồng lúa một vụ nên mọi năm nhiều diện tích đất Quảng Lợi phải bỏ hoang. Những năm trở lại đây, xã mạnh dạn tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa một vụ sang trồng ném, khoai lang, dưa hấu…

Đến nay, toàn xã đã chuyển hơn 150 ha đất trồng lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây rau màu, ớt, ném, dưa hấu….Hầu hết các loại cây sinh trưởng tốt, thích ứng với sự khắc nghiệt của vùng, nổi bật nhất là cây ném và cây dưa hấu. Với những mô hình này, thu nhập của người dân cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa, bình quân mỗi ha dưa hấu cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, và trên 200 triệu đồng/năm/ha đối với cây ném. “Từ mô hình trồng ném, dưa hấu đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã. Việc làm này không chỉ thay đổi tập quán canh tác cũ sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà còn là giải pháp thích nghi của nền nông nghiệp trước biến đổi thất thường của thời tiêt như Quảng Lợi”, ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết. Cùng với Quảng Lợi và Quảng Thái, những năm qua thị trấn Sịa cũng đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó đã đưa vào trồng thử nghiệm 1 ha măng tây, chuyển đổi 15 ha sản xuất kém hiệu quả ở cánh đồng Bắc An Gia sang mô hình trồng rau xanh, trồng ném, hành lá ở Thạch bình, Giang Đông, những mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp hiệu quả giảm thiểu những tác động tiêu cực từ thời tiết. Đảng bộ huyện Quảng Điền đã ban hành nghị quyết chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT Quảng Điền, huyện đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở khảo nghiệm những giống mới, cây trồng mới, định hướng cho từng vùng chuyên canh, ưu tiên những chủng loại cây trồng ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn mặn.

Ngành nông nghiệp Quảng Điền phấn đấu duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất ngành với tốc độ tăng bình quân 6-8%/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt trên 50.000 tấn, diện tích trồng lúa chất lượng 2.000 ha... Trên lĩnh vực thuỷ sản sẽ ổn định diện tích nuôi 635 ha, vận động Nhân dân tiếp tục đa dạng hóa đối tượng nuôi. Đẩy mạnh nuôi các loại đặc sản nước ngọt theo hướng đa dạng hình thức, đối tượng nuôi, tạo bước đột phá trong phát triển, nâng cao sức cạnh tranh với việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng một ngành nông nghiệp sạch.