Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ bảy, 20/04/2024

164
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 14:33 06/10/2022
Thừa Thiên Huế: Cấp nước sạch an toàn, vệ sinh và bền vững
Khánh thành nhà máy nước sạch tại huyện Nam Đông
Thừa Thiên Huế là tỉnh duyên hải Miền Trung có thuận lợi về nguồn nước ngọt từ các sông lớn như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi, ... phục vụ cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của tỉnh. Trong nhiều năm qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành sự quan tâm đặc biệt với nhiều giải pháp quyết liệt đối với vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân thành thị và nông thôn, nhờ vậy đến nay đã có 136/145 xã, phường và thị trấn đã tiếp cận nguồn nước sạch; tỉ lệ cấp nước sạch ở đô thị đang đạt 98,4%, nông thôn đạt 90,5%. Chỉ còn khoảng hơn 6% người dân chưa tiếp cận nước sạch chủ yếu vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Sau khi Công trình đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long cuối nguồn sông Hương được khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 21/12/2008, dòng sông Hương của tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức không còn bị nhiễm mặn, nguồn nước cấp cho Nhà máy cấp nước sạch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng không còn bị ảnh hưởng nhiễm mặn trong các đợt cao điểm mùa nắng nóng. Đồng thời cung cấp một lượng lớn nước tưới tự chảy cho lưu vực hạ nguồn sông Hương. Đây chính là một trong nhưng thuận lợi lớn cho tỉnh trong việc quy hoạch và xây dựng hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xác định Hệ thống cấp nước sạch an toàn là một trong những cơ sở hạ tầng rất quan trọng, quyết định việc đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường sống cho người dân, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hộii, ngay trong năm 2011 UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Cấp nước an toàn tỉnh, trong đó: Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban là Phó Giám đốc Sở Xây dựng, các thành viên gồm có 9 đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Cấp nước, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đặt tại Sở Xây dựng. Ban hành quy chế làm việc Ban chỉ đạo, Quy định quản lý cấp nước an toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Kế hoạch Cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch,…

Công tác cấp nước sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được UBND tỉnh giao Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (gọi tắt HueWACO) đảm nhiệm, đơn vị tự chủ hoạt động quản lý vận hành, công tác duy tu, bảo dưỡng, tài chính,... đến nay HueWACO đã quản lý, vận hành 29 nhà máy cấp nước sạch với công suất khoảng 208.000m3/ng.đêm, chiếm 98,8% trên tổng công suất của 67 công trình cấp nước, đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các loại hình quản lý cấp nước sinh hoạt khác có 36 công trình cấp nước tự chảy quy mô nhỏ, với công suất hoạt động khoảng 2.600 m3/ng.đêm, chiếm 1,2% hiện do UBND các xã và các Hợp tác xã quản lý vận hành, chất lượng cấp nước chỉ đạt chất lượng nước hợp vệ sinh.

Việc đưa nước sạch từ thành thị về nông thôn đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ về cấp nước đảm bảo an toàn, thể hiện sự văn minh và phát triển, góp phần nâng dần tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch ngày càng cao. Nguồn nước máy ở đô thị đã được mở rộng, liên kết, đấu nối hòa mạng cung cấp nước sạch chung phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh được đảm bảo an toàn. Mạng lưới cấp nước sạch của HueWACO đã quản lý, vận hành cấp nước sạch bao phủ các xã đồng bằng, ven biển, vùng trung du và miền núi. Tính đến cuối năm 2021, HueWACO đã cấp nước đến 137/141 xã, phường và thị trấn tiếp cận được nguồn nước sạch chung của Tỉnh.

Hiện nay, chỉ còn lại 04 xã và một số Thôn, bản nằm rải rác vùng sâu, vùng xa đang sử dụng nước sinh hoạt từ 36 công trình cấp nước tự chảy và các nguồn nước khác chưa qua xử lý (chủ yếu tại hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới).

Công tác xã hội hóa việc cấp nước sạch nông thôn được thực hiện từ những năm đầu của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế làm Chủ đầu tư các công trình nước sạch nông thôn được đấu nối, hòa mạng nguồn nước máy đô thị để thuận lợi trong việc quản lý, vận hành sau khi đưa vào sử dụng. Trong đó, nguồn vốn của Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế đầu tư 50% giá trị công trình, phần còn lại được phân bổ từ nguồn vốn Chương trình đầu tư và ngày công lao động của địa phương hưởng lợi để thực hiện việc xây dựng các công trình nối mạng nước máy đô thị về nông thôn.

Hiện nay trên địa bàn còn có 36 công trình cấp nước tự chảy tại các xã vùng sâu vùng xa do các địa phương quản lý, vận hành; các công trình được đầu tư từ rất lâu (từ 15÷20 năm); công nghệ xử lý lạc hậu không còn phù hợp với tình hình xã hội hiện nay; không được duy tu, sửa chữa thường xuyên; cán bộ vận hành, quản lý không chuyên trách, không có chuyên môn kỹ thuật nên hoạt động không bền vững, kém hiệu quả.

Các địa phương chưa được tiếp cận nguồn nước sạch do HueWACO quản lý là những xã ở vùng sâu, vùng xa có dân cư rải rác, có địa hình chia cắt, chưa đầu tư nhà máy cấp nước sạch tập trung, nên việc thực hiện xây dựng các công trình cấp nước sạch cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Công tác chuyển giao các công trình cấp nước tự chảy do các địa phương quản lý, vận hành sang đơn vị chuyên ngành cấp nước (HueWACO) quản lý đang gặp khó khăn, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Trung ương.

Công tác tiếp nhận các công trình cấp nước tự chảy, phải thực hiện công khai đấu thầu trên các phương tiện truyền thông, sau đó đơn vị trúng thầu phải thanh toán giá trị còn lại của công trình cho Ngân sách, tuy nhiên các đơn vị cấp nước không mấy nhiệt tình tiếp nhận các công trình đã được đầu tư xây dựng từ rất lâu; công nghệ xử lý cũ kỹ, lạc hậu; sau khi tiếp nhận cần phải đầu tư nguồn kinh phí rất lớn để cải tạo, nâng cấp sửa chữa mới hoạt động có hiệu quả;

- Nguồn vốn đầu tư cho công trình nước sạch vẫn còn thấp.

Để nâng cao năng lực cấp nước, đảm bảo an ninh nước sạch, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cấp nước của tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần nâng dần tỷ lệ người dân dùng nước sạch đạt gần 100% dân số theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, cần phải triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

- Tiếp tục triển khai Kế hoạch Cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện Quy hoạch cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 dã được phê duyệt.

- Triển khai thực hiện Quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

- Triển khai Dự án cấp nước nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.

- Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 25/9/2020 của UBND tỉnh về hỗ trợ thủ tục đầu tư dự án, xây dựng Nhà máy cấp nước Vạn Niên, có công suất 120.000m3/ngđ (do HueWACO làm chủ đầu tư), đã được khởi công trong tháng 12/2020.

- Tổ chức quản lý vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình đảm bảo an toàn, hoạt động hiệu quả, bền vững; hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vận hành, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch;

- Xây dựng các phương án, kế hoạch chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước cho sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh,..

- Nâng cấp, cải tạo nhà máy xử lý nước và mạng lưới hiện có, xây dựng mới nhà máy, trạm trung chuyển điều áp, mở rộng mạng lưới cấp nước nhằm duy trì cấp nước an toàn, đảm bảo chất lượng nước, lưu lượng, áp lực hợp lý.

- Bảo vệ môi trường, tránh nạn khai thác nước ngầm trái phép, tạo sự phát triển bền vững cho khu vực, thu hút đầu tư, kích thích phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tiến đến phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng, miền trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phấn đấu giảm dần tỷ lệ mắc các bệnh tật do sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn mang lại như: Tiêu chảy, tả, lị, thương hàn, mắt hột, các bệnh da liễu,..

Văn phòng Điều phối NTM  tỉnh (tỏng hợp)