Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

4933
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 11:21 07/06/2016
Tăng cường vai trò của Mặt trận và các Đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Xây dựng nông thôn mới cần sự phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó, mỗi tổ chức có chức năng, nhiệm vụ của mình. Với tư cách là tổ chức đại diện cho các tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Mặt trận giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian qua, Mặt trận và  đoàn thể các cấp bước đầu đã thể hiện được vai trò của mình góp phần cùng các tổ chức trong hệ thống chính trị tiến tới hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Qua 5 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, vai trò của Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện qua nhiều hoạt động, nhưng chủ yếu tập trung vào một số hoạt động sau:

Thứ nhất, tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Từ bao đời nay, người nông dân vẫn mong muốn có một cuộc sống ấm no, quê hương ngày càng tươi đẹp hơn và được sống trong một môi trường trong sạch, lành mạnh. Vì vậy, khi chương trình xây dựng nông thôn mới được ban hành, người nông dân vui mừng đón nhận với bao phấn khởi, tin tưởng. Tuy vậy, từ mong muốn cho đến thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì để thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn của nông thôn mới phải là một sự nỗ lực của mọi người dân. Nhà nước chỉ hỗ trợ ở mức độ nhất định mà chủ yếu là sự đóng  góp của nhân dân. Nhưng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, tư tưởng bảo thủ vẫn còn tồn tại trong nhiều người theo kiểu từ xưa đến nay vẫn sống như vậy, vẫn đi trên những con đường như vậy có sao đâu, giờ đóng góp làm gì cho tốn kém. Do vậy, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền thì việc thực hiện sẽ không thuận lợi.

Xác định được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, Mặt trận và các đoàn thể đã chú trọng phối hợp đẩy mạnh hoạt động này. Nhiều hình thức tuyên truyền đã được vận dụng sáng tạo. Mặt trận đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thoog tin đại chúng, qua hội họp, qua cá cuộc thi tìm hiểu dưới hình thức sân khấu hóa, qua tập san Thông tin công tác mặt trận phát hành đến tận Ban công tác mặt trận ở thôn, xóm. Mặt trận các cấp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về nội dung xây dựng nông thôn mới, trao đổi về phương pháp tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp ủng hộ. Nhiều phong trào đã được phát động tạo nên một không khí sôi nổi, hào hứng trong các làng  xã.

Do công tác tuyên truyền được chú trọng nên đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong các cấp, các nghành  và trong các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa của chương trình, vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Qua công tác tuyên truyền, người dân cũng hiểu được những khó khăn của đất nước để tạo sự đồng thuận, chia sẻ để  cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Mỗi người dân đều hiểu rằng xây dựng nông thôn mới là để cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, do vậy, họ cũng có trách nhiệm cùng góp sức thì mới có thể thành công.

Thực tế cho thấy sức mạnh trong nhân dân là vô cùng to lớn. Nếu địa phương nào biết làm tốt công tác tuyên truyền thì sẽ phát huy được nguồn sức mạnh nội lực đó. Ngược lại, một số địa phương thực hiện chưa có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới một phần cũng là do chưa làm tốt công tác tuyên truyền để phát huy nguồn sức mạnh đó.  

Thứ  haithực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do mặt trận các cấp chủ trì đã được thực hiện rộng rãi trên phạm vi cả nước trong một thời gian dài. Cuộc vận động này đã tạo được sự chuyển biến sâu rộng trong nhân dân về đời sống văn hóa, góp phần hình thành lối sống mới, phát huy những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thực hiện cuộc vận động này cũng chính là thực hiện xây dựng nông thôn mới. Vì thế, Mặt trận và các đoàn thể ở các địa phương đã kết hợp thực hiện cuộc vận động này với phong trào xây dựng  nông thôn mới trên các nội dung:

- Đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Phát triển kinh tế là một nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Để phát triển kinh tế cần phải phát huy được sức mạnh từ cộng đồng kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước. Muốn phát huy sức mạnh cộng đồng cần khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong khu dân cư. Cuộc vận động này đã tạo nên sự đoàn kết nhất trí trong nhân dân để hỗ trợ cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại. Nhiều địa phương đã có cách làm thiết thực, như giúp đỡ ngày công, con giống, về vốn, về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt  góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn.

- Đoàn kết phát huy truyền thống tương thân tương ái, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Thực hiện nội dung này chính là góp phần hoàn thiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.Mặt trận và đoàn thể các cấp luôn quan tâm đến việc thăm hỏi, động viên các gia đình nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Phong trào xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rọng trong các địa phương . Công tác vận động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, bão lũ được phát động kịp thời đã đóng góp sức người, sức của hỗ trợ cho đồng bào các vùng bị bão lụt.

- Đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Để giữ gìn kỷ cương, trước hết là của mỗi người dân trên địa bàn mình sinh sống, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở đã xây dựng hoàn chính quy ước, hương ước. Bên cạnh việc động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện, Mặt trận các cấp đã chú trọng giám sát việc thực hiện hương ước, quy ước, thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã của nhân dân và chính quyền cơ sở.  Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đã quan tâm tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật trong nhân dân, vận động các tầng lớp nhân dân học tập, tìm hiểu và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thực hiện dân chủ ngay từ địa bàn khu dân cư thông qua các hình thức: dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và các hoạt động tự quản.

- Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc .Thực hiện nội dung này góp phần hoàn thiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức tốt việc đăng ký gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến. Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực vận động nhân dân các khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, các hoạt động văn hoá, thể thao, tham gia xây dựng thiết chế văn hoá, nhà văn hoá...

- Đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phát triển thể dục thể thao và chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ môi trường. Mặt trận, các đoàn thể ở khu dân cư tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, với sự quan tâm của gia đình, dòng họ, của cộng đồng dân cư để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của con em. Chăm lo, duy trì việc phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và phấn đấu phổ cập giáo dục bậc trung học. Mặt trận, đoàn thể đã tích cực vận động nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cùng với Nhà nước chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà trẻ, trường học, tạo môi trường giáo dục toàn diện. Thực hiện nội dung này đã góp phần hoàn thiện tiêu chí về giáo dục, y tế.

- Đoàn kết xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân trong khu dân cư. Thực hiện nội dung này, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng được chú trọng hơn. Các hoạt động giám sát đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức tại cộng đồng dân cư được đẩy mạnh. Mặt trận, các đoàn thể phát hiện và đóng góp những ý kiến quý báu cho đội ngũ cán bộ các cấp, ngành tại cộng đồng dân cư.

Thứ ba, giám sát quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới .

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới khó tránh khỏi những sai lầm trong vận động đóng góp, trong sử dụng vốn, trong triển khai thực hiện. . . Vì vậy, để  khắc phục những hạn chế này,  vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong hoạt động giám sát rất quan trọng. Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là một trong những tiểu ban ở cơ sở giám sát việc thực hiện chương trình này. Việc Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia chương trình xây dựng Nông thôn mới là sự thể hiện dân chủ của nhân dân trong tham gia quản lý, điều hành xã hội; Nó càng có ý nghĩa hơn khi đây là thời điểm sơ kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã.

Tuy vậy, trong thời gian qua, hoạt động của Mặt trận, đoàn thể trong qúa  trình xây dựng nông thôn mới vần còn những hạn chế . Công tác phối hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân chưa chặt chẽ và còn mang tính hình thức.  Việc triển khai xây dựng kế hoạch nhiều nơi còn lúng túng. Việc lồng ghép thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phong trào xây dựng nông thôn mới chưa rõ nét. Hoạt động giám sát quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới hiệu quả chưa cao. . .

Một số giải pháp để nâng cao vai trò của Mặt trận va các đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới

Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp và trong các tầng lớp nhân dân

Trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, nhất là việc thực hiện đường lối, chủ trương và đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thì công tác thông tin tuyên truyền, vận động bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, mà các cấp, các ngành đều phải quan tâm thực hiện. Có thể khẳng định, thông qua công tác thông tin tuyên truyền, vận động tốt sẽ làm chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác tuyên truyền về chương trình Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới trong hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cần được đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.  Mặt trận Tổ quốc cũng không nằm ngoài hệ thống đó. Công tác tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên. Hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng. Thông qua hoạt động tuyên truyền kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như những vấn đề nhân dân chưa thông suốt trong việc thực hiện chủ trương này. Mục đích cuối cùng của công tác tuyên truyền là tạo sự đồng thuận trong nhân dân về nhận thức để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của cán bộ Mặt trận về vai trò của tổ chức mình trong xây dựng nông thôn mới

Mỗi cán bộ cần nhận biết rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.  Để góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ Mặt trận về vai trò của tổ chức mình trong xây dựng nông thôn mới cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống để nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ Mặt trận. Giáo dục cán bộ Mặt trận các cấp thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, phát hiện, bồi dưỡng những cán bộ Mặt trận cấp cơ sở có kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhiệt tình, có trách nhiệm với quê hương để nhân điển hình, nêu gương cho quần chúng noi theo. Tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ mặt trận. Nội dung  tập huấn nên chú trọng về Tổng quan về Chương trình xây dựng Nông thôn mới; các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng Nông thôn mới; kỹ năng chuyển tải bộ tiêu chí; kết quả đạt được qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; cách lồng ghép nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Chương trình…

Thứ ba, tăng cường hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng, vấn đề thu chi tài chính, đền bù giải phóng mặt bằng, sự đóng góp của nhân dân, bảo đảm công khai minh bạch. Coi trọng việc giám sát của Ban thanh tra nhân dân, phát hiện những sai sót để chấn chỉnh kịp thời. Kiện toàn lại Ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo hướng chú trọng năng lực của các thành viên. 

Thứ tư, cần phối hợp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân doàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với xây dựng nông thôn mới

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Mặt trận cần chủ động phối hợp với ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp và các tổ chức thành viên dẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền,  nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tích cực vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”  gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng thực chất, cụ thể như xây dựng các danh hiệu nông thôn, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, chăm lo gia đình chính sách. Cần được xác định đây là  một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài nhằm phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Bởi đây chính là sự kết hợp hài hòa giữa xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế với xã hội, phát triển sản xuất với việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, thực hiện tốt các chính sách xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục – thể thao; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, khai thác và phát huy những truyền thống văn hóa, phong tục tốt đẹp của nhân dân trên địa bàn.

Thứ năm, định kỳ sơ kết, tổng kết, kịp thời điều chỉnh các vấn đề liên quan nhằm phát huy cao nhất vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới

Vào dịp sơ kết 6 tháng, tổng kết năm, cùng với sơ kết, tổng kết công tác Mặt trận nói chung, cần sơ kết, tổng kết việc Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới, rút kinh nghiệm các xã làm điểm, làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc phối hợp với chính quyền, đoàn thể chỉ đạo thực hiện những vấn đề trọng tâm, như xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề huy động và sử dụng vốn xây dựng... Mỗi vấn đề đều đánh giá làm rõ kết quả, rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch thực hiện các bước tiếp theo .

NVC Mặt trận TQVN tỉnh Thừa Thiên Huế