Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

308
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 15:32 10/12/2021
Thừa Thiên Huế thông qua Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
Ban Dân tộc vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến thông qua Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Thanh Bình- UVTV Tỉnh ủy,Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị

Hội nghị lần này đã rà soát và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan lần cuối để thông qua Đề án. Sau khi nghe Ban Dân tộc báo cáo dự thảo Đề án, nhiều ý kiến cho rằng, đối với mục tiêu đến năm 2025, cần nâng cao về tỷ lệ sử dụng nước sạch; có chỉ tiêu cụ thể về đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở địa phương. Về chỉ tiêu 20% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng, ngành văn hóa cho rằng, việc thành lập các câu lạc bộ thì có thể thực hiện được nhưng duy trì hoạt động thường xuyên, có chất lượng thì khó có thể thực hiện đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần đánh giá lại chỉ tiêu này...

Hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới cho rằng, về chỉ tiêu tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại cần được xem xét lại vì với điều kiện hiện tại ở khu vực miền núi thì dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại cho người dân là khó đảm bảo.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị. Những ý kiến đóng góp từ các đơn vị là rất phù hợp, Ban biên tập Đề án cần nghiên cứu để hoàn chỉnh lại Đề án cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế, sớm trình thông qua Đề án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 là một Chương trình lớn của Đảng và nhà nước. Trong đó việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm cũng như mục tiêu đến năm 2030 của Đề án có ý nghĩa then chốt, cùng với đó là trách nhiệm cụ thể của các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã có liên quan là vô cùng quan trọng. Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đối với công tác dân tộc trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ có tác động tích cực và quyết định đến sự thành công của Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiêu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030.

Sau khi Đề án được thông qua sẽ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.

CTV