Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

542
+ aa -

Chính sách nông thôn mới

Cập nhật lúc : 09:55 02/06/2021
Báo chí đồng hành với Chương trình xây dựng NTM
Liên quan đến những đóng góp, ảnh hưởng của các cơ quan thông tấn báo chí đối với quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhân ngày báo chí Việt Nam (21/6) P.V Kinh tế nông thôn có buổi trao đổi với Ông Phạm Quyền, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh (Văn phòng Điều phối) .

Thưa ông, các cơ quan thông tấn báo chí có vai trò như  thế nào trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở địa phương?

Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên cả nước nói chung và tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng, tôi nhận thấy và đánh giá cao những đóng góp của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc chuyển tải chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về vấn đề này đến quần chúng nhân dân. Việc chuyển tải của các cơ quan thông tấn báo chí  được thực hiện một cách đa dạng, chân thực và sâu sắc.

Theo ông, các thể loại báo chí đã và đang sản xuất, chuyển tải thông tin liên quan đến việc xây dựng NTM cho người dân như thế nào?

Tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói, báo chí đang phát triển với nhiều loại hình đa dạng. Các sản phẩm báo chí xoay quanh việc tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cũng rất đa dạng như: phóng sự, chuyên đề, bài viết, video…

Trong đó, đài truyền hình với các phóng sự đặc sắc được phát chiếu trong những khung giờ thuận lợi cho người dân theo dõi; thể loại báo điện tử với sự đa dạng về video, hình ảnh, bài viết chuyên sâu… Với sự phát triển của mạng internet, điện thoại thông minh đang giúp người dân tiếp cận thông tin tốt hơn, nhiều hơn và nhanh hơn. Còn báo in sẽ là lựa chọn thích hợp để mang thông tin đến người dân ở vùng sâu, vùng xa…, nơi mạng internet chưa thực sự phát triển mạnh, cùng với đó, thể loại báo in không khống chế thời gian của người dân khi tiếp cận thông tin.

Xin ông nói rõ hơn về những điều mà người dân đã tiếp thu được thông qua xem truyền hình, báo điện tử, nghe đài và đọc?

Xây dựng NTM là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng theo chủ trương của Đảng, do Chính phủ  xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc và báo chí đang chuyển tải thông tin đầy đủ về  lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để có thể dẫn chứng một vấn đề, tôi xin nói về lĩnh vực kinh tế ở khu vực nông thôn. Cụ thể, người dân có nhu cầu cấp thiết trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để người dân thực hiện tốt vấn đề này thì họ cần mắt thấy, tai nghe và cầm tay chỉ việc, các video, bài viết… của báo chí đã giúp họ rất nhiều trong vấn đề này.Tôi cho rằng, chính nhờ được thấy, được nghe, được hướng dẫn nhiều qua báo đài mà giờ đây rất nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện ở các địa phương có điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Ví dụ như: mô hình trồng hoa súng trên cát (xã Giang Hải, huyện Phú Lộc), mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc)…

Dĩ nhiên, để có được sự thành công ấy, cần có nhiều yếu tố, học hỏi ở nhiều nơi, tuy nhiên, vấn đề chúng ta đang bàn ở đây là những đóng góp của báo chí trong quá trình này. Ngoài đóng góp  trong việc phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, báo chí còn đóng góp về lĩnh vực văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng... Bên cạnh đó, không chỉ người dân mà cả đội ngũ cán bộ quản lý cũng được học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng NTM từ báo chí.

Thưa ông, trong thời gian tới, với tư cách là Phó Chánh Văn phòng Điều phối  tỉnh, ông mong muốn điều gì ở các cơ quan báo chí trong quá trình xây dựng NTM?

Thời gian tới, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM vì đây là chương trình có khởi đầu nhưng sẽ không có điểm kết thúc. Vì vậy, việc các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề này là hết sức cần thiết.

Xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi mong muốn phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền, chuyển tải những tấm gương điển hình trong kinh doanh sản xuất, những phát minh, sáng kiến về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất… để người dân có cơ hội nắm bắt, học tập và làm theo, qua đó phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.

Chúng tôi cũng mong muốn rằng, những mô hình có tính đặc thù của Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục được quan tâm tuyên truyền để hướng tới việc xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn cho các xã, huyện theo hướng xanh - sạch - sáng và đẹp, các khu dân cư, thôn, bản kiểu mẫu, nhất là các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, tiến tới hình thành các vùng quê hạnh phúc.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, chúng tôi cũng nhận thấy không có vấn đề nào là hoàn hảo, tròn trịa mà sẽ có những tồn tại, bất cập, khó khăn trong đó. Vì vậy, chúng tôi cũng mong rằng, các cơ quan thông tấn báo chí có thể phản ánh những điều này để cơ quan chức năng có thể sớm phát hiện và có sự điều chỉnh, tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại.

Những nhà làm chính sách và các cơ quan chức năng luôn luôn sẵn sàng lắng nghe những phản ánh, đóng góp từ phía cơ quan thông tấn báo chí để hoàn thiện hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Về đóng góp của Tạp chí Kinh tế nông thôn đối với quá trình xây dựng NTM tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phạm Quyền nhận xét: Tôi hay tìm đọc các ấn phẩm, bài viết của Tạp chí Kinh tế nông thôn. Có thể nói, ấn phẩm in của Kinh tế nông thôn trình bày rất đẹp, công phu; nội dung hay, hấp dẫn. Qua nội dung các bài viết, tôi cho rằng, đây là tờ báo đáng tìm đọc để học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế nông thôn nói riêng và công cuộc xây dựng NTM nói chung.

Đối với công cuộc xây dựng NTM tại địa phương, các ấn phẩm, bài viết của Kinh tế nông thôn thể hiện một cách đa dạng, kịp thời vấn đề thực tại. Các thông tin liên quan đến NTM mà Kinh tế nông thôn đã đưa góp phần lan tỏa tinh thần xây dựng NTM ở địa phương...

Văn Nghĩa (Báo Kinh tế nông thôn )