Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

304
+ aa -

Chính sách nông thôn mới

Cập nhật lúc : 11:26 14/12/2021
Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện (tt)
Đô thị hóa ở huyện nông thôn mới Quảng Điền
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng khu vực nông thôn, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thá

Vai trò quy hoạch xây dựng vùng huyện trong quản lý, định hướng phát triển cấp huyện

Kể từ khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 của Quốc hội ngày 24/11/2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 của Quốc hội ngày 20/11/2018 có hiệu lực, trên địa bàn cấp huyện có rất nhiều các quy hoạch chuyên ngành bị lược bỏ, ban đầu gây khó khăn, lúng túng cho các đơn vị quản lý nhà nước trong sự định hướng, triển khai đầu tư các dự án. Theo đó, hiện nay chỉ còn 2 loại hình quy hoạch tồn tại ở cấp huyện, đó là Quy hoạch xây dựng vùng huyện và Quy hoạch sử dụng đất.

Vai trò của Quy hoạch xây dựng vùng huyện trong tình hình hiện nay rất quan trọng. Xu thế tất yếu các định hướng chuyên ngành kỹ thuật khác sẽ được tích hợp trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, vì vậy đồ án mang tính chất tổng hợp rất cao. Nó là công cụ quan trọng trong việc định hướng, quản lý phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

 Đánh giá thực trạng quy hoạch xây dựng vùng huyện

Việc triển khai đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đã bổ sung sự thiếu hụt tính liên kết vùng cho các đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, hạn chế các định hướng phát triển kinh tế các xã bị trùng lặp hoặc độc lập với mô hình kinh tế của các xã khác mà không có sự hỗ trợ liên kết với nhau, có định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn các xã gắn với chiến lược chung của toàn huyện… Đồ án được các địa phương đánh giá đáp ứng nhu cầu quản lý, phát triển của địa phương, đặc biệt trong định hướng phân vùng phát triển đô thị, phát triển về công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung.

Tuy nhiên, về chất lượng đồ án có một số nội dung còn tồn tại như sau:

a. Phương pháp thực hiện quy hoạch xây dựng vùng huyện

Về phương pháp lập quy hoạch, hiện nay chưa có văn bản luật hướng dẫn cụ thể cho đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nên khi triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Cách làm không thống nhất giữa các địa phương, đơn vị tư vấn.

Giai đoạn 2010-2015, theo Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM, các huyện được công nhận là huyện NTM trên cơ sở tỷ lệ phần trăm (%) số xã trên địa bàn huyện được công nhận xã chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, việc lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chưa được chú ý tới.

Giai đoạn 2016-2020, kể từ khi có Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM thì ngoài việc 100% số xã trên địa bàn phải đạt chuẩn xã nông thôn mới, các đơn vị hành chính cấp huyện trên phải đạt 09 nhóm tiêu chí trong bộ tiêu chí huyện NTM ban hành theo quyết định trên, trong đó tiêu   chí số 01 là tiêu chí về quy hoạch phải đạt. Các huyện bắt đầu chú ý hơn về việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện để vừa đảm bảo có cong cụ định hướng, quản lý phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, vừa hoàn thành tiêu chí số 01 của bộ tiêu chí huyện NTM.

Việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện được triển khai trên cơ sở hướng dẫn tại Luật Xây dựng 2014, Nghị định 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và thông tư 12/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng v/v Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù. Trong thông tư này hướng dẫn một cách tổng quan các nội dung yêu cầu của đồ án quy hoạch xây dựng vùng, trong đó có vùng huyện. Tuy nhiên, sự lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 chưa được đề cập.

Như vậy, để lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải pháp được sử dụng để triển khai các đồ án quy hoạch đó là bám theo hướng dẫn đối với đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện được quy định theo Luật Xây dựng 2014, Nghị định 44/NĐ-CP và Thông tư số 12/TT-BXD, sau đó có sự lồng ghép, bổ sung thêm các nội dung đảm bảo phù hợp với Bộ tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg và Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định 676/QĐ-TTg. Ngoài ra, các bộ, ngành ban hành các thông tư hướng dẫn về việc thực hiện các tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, lấy làm cơ sở để từ đó triển khai đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, đáp ứng được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

b. Nội dung đồ án quy hoạch vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện chủ yếu được triển khai trên cơ sở hướng dẫn tại Luật Xây dựng 2014, Nghị định 44/2015/NĐ-CP và Thông tư 12/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Trong đó đã quy định, hướng dẫn một cách tổng quan các nội dung yêu cầu của đồ án quy hoạch xây dựng vùng, có vùng huyện. Tuy nhiên, sự lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 chưa được đề cập. Chính vì cậy, phần lớn các đồ án đã triển khai chưa thể hiện hoặc thể hiện mờ nhạt nội dung này.

Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện chưa đánh giá, rà soát tình hình phát triển của huyện theo các nhóm tiêu chí huyện nông thôn mới, trong dự báo và xác định định hướng phát triển vùng huyện chưa gắn kết nối nội dung theo tiêu chí huyện nông thôn mới, ngoại trừ một số đồ án do Viện quy hoạch Đô thị - nông thôn quốc gia lập gần đây.

Một số ít đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được lập sau này, giải pháp được sử dụng để triển khai các đồ án quy hoạch đó là bám theo hướng dẫn đối với đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện được quy định theo Luật Xây dựng 2014, Nghị định 44/NĐ-CP và Thông tư số 22/TT-BXD, sau đó có sự lồng ghép, bổ sung thêm các nội dung đảm bảo phù hợp với Bộ tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg và Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định QĐ 676/QĐ-TTg. Ngoài ra, dựa trên cơ sở các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành về việc thực hiện các tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, để từ đó, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện có cơ sở triển khai đáp ứng được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, nội dung đồ án QHXD huyện đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tuy nhiên cần có văn bản luật hướng dẫn để có sự thống nhất chung về yêu cầu nội dung sản phẩm, thuận lợi cho việc lập, thẩm định và phê duyệt đồ án.

c. Nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thể hiện rõ

Tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất để có giá trị tăng cao hơn, tăng thu nhập của người làm nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa người dân nông thôn và người dân đô thị. Tái cơ cấu nông nghiệp thành công cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, nội dung tái cơ cấu nông nghiệp sẽ được thể hiện qua việc tổ chức không gian khu vực nông thôn như: Tổ chức các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp; Tổ chức các điểm sản xuất công nghiệp dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản; Tổ chức các điểm dịch vụ khuyến nông và KHCN trong nông nghiệp (Trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn); Tổ chức các điểm dịch vụ thị trường sản phẩm nông nghiệp; Tổ chức hệ thống các đô thị nhỏ, thị tứ, điểm dân cư tập trung hoặc cụm dân cư và cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ dân cư nông thôn theo hướng dẫn đô thị hóa tại chỗ; Tổ chức hạ tầng kỹ thuật khung phục vụ đời sống sinh hoạt và sả xuất dân cư nông thôn.

V. Những thuận lợi, khó khăn trong việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện

- Một số thuận lợi

Vì đây là công cụ quy hoạch có thể nói là duy nhất liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển dài hạn trên địa bàn cấp huyện nên trong quá trình triển khai nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ rất cao từ địa phương và các sở, ban ngành chuyên môn.

Nội dung tích hợp trong đồ án quy hoạch đã được triển khai từ trước đây trong đồ án quy hoạch xây dựng (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, sử dụng đất…) nên bắt kịp nhanh với nhu cầu thực tiễn của yêu cầu quy hoạch, là công cụ giúp các đơn vị quản lý nhà nước quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.

- Khó khăn:

Vì xu thế mới của đồ án theo hướng tích hợp phục vụ quản lý nhà nước nên khối lượng cần xử lý trong đồ án lớn, số liệu nhiều, yêu cầu đơn vị tư vấn có các chuyên gia đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm về vấn đề quy hoạch. Trong quá trình làm việc phải phối hợp với rất nhiều các đầu mối đơn vị chuyên môn khác nhau.

Nội dung của đồ án quy hoạch vùng huyện nhiều hơn trước đây do có sự lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa…

VI. Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện trong giai đoạn thực hiện tiếp theo

Thay đổi phương pháp làm quy hoạch theo hướng tích cực

Từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, trên địa bàn cấp huyện, các đồ án quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực bị giảm lược đi rất nhiều như quy hoạch sản xuất, quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch thương mại, quy hoạch xăng dầu… và một số quy hoạch khác. Để đáp ứng nhu cầu quản lý, kiểm soát phát triển thực tế tại các địa phương, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện trở thành quy hoạch chủ đạo, chiến lược, là công cụ quản lý đắc lực cho địa phương. Vì vậy nội dung của đồ án cần mang tính chất tích hợp, đặc biệt là nội dung quy hoạch sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Sự thay đổi này vừa phù hợp với xu hế tất yếu, vừa phù hợp với nhu cầu quản lý nhà nước của địa phương về quản lý quy hoạch.

Lồng ghép các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ban hành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, rất nhiều các văn bản luật hướng dẫn thực hiện và cũng đã đạt được những kết quả quan trọng, thành công trong giai đoạn 2010-2020. Việc bổ sung nội dung liên quan Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng là việc làm cấp bách, phù hợp với tình hình phát triển.

Nội dung đồ án cần làm nổi bật mối liên kết đô thị - nông thôn, xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa.

Quá trình phát triển đô thị - nông thôn phải được xem là một quá trình không tách rời. Đô thị tạo hạt nhân cho phát triển nông thôn, và nông thôn hỗ trợ cho sự phát triển đô thị. Trong quá trình phát triển, đô thị hóa là một quá trình tất yếu không thể đảo ngược. Vì vậy, để tránh đầu tư lãng phí nguồn lực, tạo tiền đề cho việc phát triển đô thị theo xu hướng chung, việc xây dựng NTM cần phải phù hợp với quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện.

Hình thành các Trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn là hạt nhân tái cơ cấu ngành nông nghiệp, yếu tố “tạo thị” cho khu vực.

VII. Kết luận

Công tác quy hoạch xây dựng cũng đã có những bước tiến rất tích cực trong phương pháp, nội dung và chất lượng của các đồ án quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng vùng huyện. Là tiền đề đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Về phương pháp lập quy hoạch, bước đầu thay đổi sang tư duy quy hoạch tích hợp và có phương pháp luận rõ ràng mối quan hệ đô thị - nông thôn, có các kế hoạch, định hướng rõ cho khu vực xây dựng nông thôn mới nhưng dự kiến hình thành đô thị phù hợp, đã xác định được các Trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, là yếu tố tạo thị cho vùng huyện. Xác đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đã triển khai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển, là công cụ quản lý, định hướng phát triển của các địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Để nâng cao chất lượng hơn nữa các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện trong giai đoạn tiếp theo, kiến nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, thực hiện một số các nội dung sau:

- Ban hành các hướng dẫn, văn bản luật có liên quan thống nhất các nội dung trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các yêu cầu xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa, lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện theo hướng tích hợp đa ngành.

- Điều chỉnh định mức kinh phí lập quy hoạch vùng huyện theo hướng nâng cao tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức liên quan tiến hành lập đồ án quy hoạch vùng huyện đảm bảo chất lượng theo xu thế tích hợp.

- Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về nông thôn mới, tạo thuận lợi cho việc triển khai lập đồ án quy hoạch vùng huyện cho giai đoạn tiếp theo.

Văn phòng điều phối NTM tỉnh (Tổng hợp)