Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

771
+ aa -

Chính sách nông thôn mới

Cập nhật lúc : 16:04 04/01/2021
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với xây dựng NTM ở Thừa Thiên Huế
Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục ưu tiên thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản và lâu dài trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2010, tỉnh Thừa Thiên- Huế mới chỉ đạt bình quân 8,5 tiêu chí/xã, vùng nông thôn điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn về nhiều mặt. Sau 10 năm, tỉnh Thừa Thiên- Huế có 64/97 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 66%; số tiêu chí bình quân đạt 16,7 tiêu chí/xã (cao hơn mức bình quân cả nước 0,5 tiêu chí). Tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng có 2 huyện đã hoàn thành việc xây dựng NTM là huyện Quảng Điền và thị xã Hương Thủy.

Tổng nguồn lực huy động trong 10 năm đạt hơn 10.084 tỷ đồng, trong đó, có nguồn lực đáng kể từ người dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh hiện nay là 34 triệu đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2010 (hơn 12 triệu đồng) bình quân tăng 11,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn 7,25%. Cơ sở, hạ tầng nông thôn đã được đầu tư khá cơ bản, diện mạo có bước khởi sắc. 

Trong đó như, huyện Quảng Điền có 10/10 xã đạt chuẩn NTM. Quá trình xây dựng NTM người dân đã tự nguyện hiến 30 ngàn m2 đất, đóng góp hơn 35 ngàn ngày công, hơn 6 tỷ đồng tiền mặt và nhiều khoản đóng góp khác (khoảng 13,3 tỷ đồng) cùng Nhà nước mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư xây dựng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong sản xuất và dân sinh.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%; 100% xã bãi ngang thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Huyện Quảng Điền đã hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Bí thư huyện ủy Quảng Điền phải coi công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân; cần làm rõ được quan điểm “dựa vào nội lực là chính, nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ”, từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động trong triển khai thực hiện.

Biết khơi dậy sức dân, trí tuệ và sự chủ động, sáng tạo của người dân; lấy dân làm trung tâm, thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình dài, do đó, cần tăng cường đào tạo, tập huấn để có lực lượng chuyên sâu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương.

Trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn, vừa gắn chặt với những đặc điểm của người dân tại địa phương, vận dụng tốt các quy định của trên, lấy hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá các tiêu chí,…

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Thừa Thiên- Huế, địa phương vẫn còn gặp một số, khó khăn, hạn chế, trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương chưa tập trung, quyết liệt; nhiều đơn vị, địa phương vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, vào cấp trên; việc tổ chức thực hiện còn chú trọng về đầu tư hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết, sau khi hoàn thành việc xây dựng NTM vào 9/2019 với 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn, thị xã Hương Thủy tiến hành xây dựng thành xã NTM kiểu mẫu; Thủy Tân và Thủy Phù là xã NTM nâng cao.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cho giai đoạn 2021-2025 với một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học, y tế, giao thông, nước sạch và vệ sinh môi trường; chọn các xã: Thủy Bằng, Phú Sơn, Dương Hòa xây dựng NTM nâng cao, xã Thủy Vân NTM theo hướng phát triển đô thị; các xã Thủy Bằng, Phú Sơn, Dương Hòa sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Mục tiêu trong năm tới, có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 xã đạt NTM nâng cao.

Ông Phạm Quyền, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Thừa Thiên Huế, cho hay, giai đoạn  2021 - 2025, tỉnh Thừa Thiên- Huế phấn đấu đưa tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên đạt 87%. Trong đó, có 40% xã NTM nâng cao, 10% xã NTM kiểu mẫu; có ít nhất 04/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong đó, có ít nhất 02 huyện đạt chuẩn NTM, có 01 huyện NTM nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn toàn tỉnh tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020.

Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đưa ra các các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới, cụ thể: Tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và hoạt động của Ban chỉ đạo NTM các cấp và vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp trong việc tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động để thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân; nhất là trong đóng góp công sức, trí tuệ và nguồn lực từ xã hội để thực hiện Chương trình.

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua và thực trạng của ngành nông nghiệp hiện nay, để nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp thời gian tới cần tâp trung triển khai những giải pháp trọng tâm theo định hướng và quan điểm chỉ đạo: “Phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể”. 

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản và lâu dài trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ an toàn sinh học; tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề,... để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản ở nông thôn: Ưu tiên nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh đáp ứng yêu cầu mức đạt chuẩn mới; chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn kết nối với đô thị, kết nối liên xã, liên huyện. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích huy động nguồn lực tại chỗ, nguồn lực huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực theo 3 cấp độ: Sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia (Gạo, tôm, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ); sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (Cá vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng); sản phẩm chế biến: Tôm chua, ruốc, mắm các loại; lúa gạo chất lượng cao, Bưởi Thanh trà, Sen Huế, Tinh dầu tràm, tinh dầu sả và các loại tinh dầu từ dược liệu,…) và nhóm sản phẩm đặc sản, có giá trị cá biệt cấp vùng, miền, địa phương, gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.

Ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo vùng chuyên canh quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, kết nối với hệ thống cung ứng nông sản; tạo dựng thương hiệu nông, lâm thủy sản của tỉnh trong chuỗi giá trị quốc gia, hướng tới chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực có lợi thế khác biệt, có sức cạnh tranh cao. 

Theo đó, cùng với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ an toàn sinh học; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM. Cùng với đó, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa ở nông thôn;  bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và quốc phòng an ninh ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn" để xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - sáng và đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân cũng như yêu cầu của Bộ tiêu chí sau năm 2020.