Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

1291
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 11:22 04/04/2019
Thừa Thiên Huế phấn đấu năm 2019, có thêm 10-12 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Xã Quảng Phước là một trong 3 xã của huyện huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018
Năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu tăng thêm ít nhất 10 -14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 54-58 xã/104 xã, tương đương tỷ lệ 51,9% - 55,7%. Phấn đấu thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Quảng Điền và Nam Đông có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đã có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, năm 2018, tổng huy động nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh là hơn 1.734 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương 123,9 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh gần 118,5 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng hơn 1.141 tỷ đồng; phần còn lại là nguồn kinh phí địa phương (huyện/xã), nguồn đóng góp của cộng đồng dân tư, người dân và hỗ trợ từ doanh nghiệp. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có thêm 14 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, nâng bình quân toàn tỉnh đạt 15,26 tiêu chí/xã, tăng 0,16 tiêu chí/xã so với đầu năm, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 42 xã (đạt tỷ lệ 40,3%).

Ông Phạm Quyền, Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, năm qua, cùng với sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Qua đó, bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc, nhất là hệ thống giao thông nông thôn và kết cấu hạ tầng xã hội; nhiều mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.

Là một huyện điểm về xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Quảng Điền đã có 5/10 xã đạt xã nông thôn mới và đang phấn đấu để đạt mục tiêu xây dựng Quảng Điền thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020. Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của huyện là thực hiện các tiêu chí "dễ làm trước khó làm sau"; các tiêu chí không cần hoặc cần ít nguồn lực đầu tư thì tập trung triển khai thực hiện trước; các tiêu chí có nguồn đầu tư lớn như hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, nhà văn hóa,…phải đặt mục tiêu lâu dài và có bước đi phù hợp để bảo đảm cân đối nguồn lực, tránh lãng phí trong đầu tư.

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay, với quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục, không có điểm kết thúc, huyện đã chọn 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Quảng Thọ và Quảng Phú)  để xây dựng xã điểm nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng các mô hình thôn kiểu mẫu, vườn mẫu; đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao...

Năm 2019, có thêm 10 -12 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Mục tiêu đề ra trong năm 2019 là toàn tỉnh tăng thêm ít nhất 10 -12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 56- 58 xã/104 xã, tương đương tỷ lệ 54% - 55,7%. Phấn đấu thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Quảng Điền và Nam Đông có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nhằm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu (phấn đấu có 01- 02 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao để hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu). Dự kiến tổng nguồn vốn huy động khoảng 2.211,3 tỷ đồng.

Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, trong Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 12/3/2019 về triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019, UBND tỉnh đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Theo đó, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào chương trình; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp theo hướng mỗi đoàn thể được giao và chịu trách nhiệm về nội dung, tiêu chí cụ thể gắn với địa bàn được phân công phụ trách. Vận động, giao trách nhiệm các ngành, các cấp nhận đăng ký đỡ đầu cho các xã phấn đấu thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới và vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới.

Nhiều đổi thay vùng nông thôn trên địa bàn huyện miền núi A Lưới

Bên cạnh đó, ưu tiên và bố trí các nguồn lực phù hợp cho các địa phương để đảm bảo thực hiện các tiêu chí và mục tiêu, kế hoạch đề raĐồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mớinhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo, phát triển hợp tác xã, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Tiếp tục chỉ đạo phát triển hoàn thiện và bền vững về  giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường nông thôn gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”; "Ngày Chủ nhật xanh".

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, cốt lõi của mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn. Vì vậy, cùng với triển khai các chính sách theo các chương trình mục tiêu Quốc gia, Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất; nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và nông thôn toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư và hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất trên cơ sở các đề án, dự án của địa phương; trong đó ưu tiên các mô hình, dự án hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị), các mô hình nhằm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”...

  
  
Văn phòng Điều phối tỉnh