Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

7320
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 08:10 19/08/2019
Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ
Ngày 17/8, tại TP Vinh (Nghệ An), Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010-2020; định hướng xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020. Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chủ trì Hội nghị. Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế do đ/c Nguyễn Văn Phương -PCT UBND tỉnh,dẫn đầu, tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, 10 năm qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã linh hoạt, sáng tạo đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo nên tiền đề quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều quyết định trong quá trình triển khai thực hiện NTM ở cơ sở.

Đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có tới gần 70% xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước là 50,26%. Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí, cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã.

Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ có 41 đơn vị cấp huyện (thuộc 13 tỉnh/thành phố) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chiếm 48,8% so với cả nước. Đây là hai vùng này có vai trò hết sức quan trọng  trong cả nước vì có những nét đặc trưng, đặc thù riêng và là vùng đi tiên phong về các mặt; phát huy được lợi thế để đạt kết quả cao. Hơn thế, vùng Bắc Trung bộ có xuất phát điểm khó khăn nhưng đã có nhiều sáng kiến trong xây dựng NTM, điển hình là phong trào xây dựng khu vườn mẫu ở Hà Tĩnh, chủ trương xây dựng NTM thôn, bản ở Nghệ An.

Riêng đối với tỉnh Nghệ An, với điều kiện đặc thù trên 83% diện tích là vùng miền núi dân tộc, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định tới sự phát triển bền vững của tỉnh. Năm 2010, toàn tỉnh có 431 xã thực hiện Chương trình với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt bình quân 3,64 tiêu chí/xã.

Sau 10 năm phấn đấu, đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; 226/431 xã đạt chuẩn, trong đó có 4 xã thuộc huyện nghèo 30a, 2 xã biên giới và 30 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,64 tiêu chí/xã. Đặc biệt, để phù hợp với tình hình thực tiễn tại các xã miền núi khó khăn, năm 2016, Nghệ An đã có chủ trương xây dựng thôn/bản NTM. Qua 3 năm thực hiện, đã có 667 thôn/bản đạt chuẩn tiêu chí của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Như vậy, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 sớm hơn 18 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao.

Đây chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG quyết định tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 ngay trong năm 2019 (sớm hơn 01 năm so với kế hoạch), dành toàn bộ năm 2020 để nghiên cứu ban hành nội dung, khung khổ pháp lý triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020.

Tại Hội nghị, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ghi nhận những kết quả xây dựng NTM của vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ rất ấn tượng và toàn diện. Tốc độ xây dựng NTM của hai vùng đứng thứ 3 cả nước. Nông thôn mới đã tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị từng địa phương trong hai vùng rà soát lại, so sánh với kết quả tổng kết toàn vùng, của các tỉnh, huyện, xã khác để phát huy kết quả làm được, khắc phục những tồn đọng. Đặc biệt, các tỉnh phải đánh giá, để phát huy tốt quan điểm lấy người dân làm chủ thể, nhưng không được huy động sức dân quá sức, mà phải trên tinh thần tự nguyện, hợp lòng dân; đồng thời đề xuất các cơ chế khác để huy động nguồn lực xây dựng NTM.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng trưng bày sản phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, từng tỉnh, huyện, xã phải tiếp tục phấn đấu để có kết quả xây dựng NTM cao nhất năm 2020, không được chủ quan, thỏa mãn; đồng thời cần chú ý công tác xem xét, thẩm định, công nhận đạt chuẩn NTM trên tinh thần không chạy theo thành tích mà phải đi vào thực chất. Đo lường kết quả đạt được là mức độ hài lòng của người dân.

"Đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu; đồng thời, tập trung nghiên cứu, đánh giá Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cấp xã và cấp huyện, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu hiện tại, từ đó tính toán điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo mức độ phù hợp cho giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định cụ thể nguồn lực cho xây dựng NTM"- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng lưu ý những tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là: Kết quả xây dựng NTM giữa các tỉnh, thành phố trong vùng có sự chênh lệch khá lớn, trong khi Nam Định có 100% số xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và nhiều tỉnh, thành phố có trên 80% số xã đạt chuẩn (Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội,...), thì một số tỉnh vẫn còn mức dưới 50% số xã đạt chuẩn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình). Thành phố Hải Phòng có nguồn lực và điều kiện thuận lợi, song đến nay là địa phương duy nhất của vùng Đồng bằng sông Hồng chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, mới có 64,03% số xã đạt chuẩn.

Đ/c Nguyễn văn Phương thăm gian hàng trừng bày sản phẩm của tỉnh Thừa Thiên Huế 

Một số nơi, nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống của vùng thôn quê đặc trưng; do mật độ dân số cao, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đang chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường. Bên cạnh lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân nông thôn, đây còn là địa bàn tập trung gần 300 khu công nghiệp, hơn 600 cụm công nghiệp và nhiều làng nghề với lượng chất thải lớn, nhiều nơi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người dân.

Ngoài ra, tình hình an ninh, trật tự xã hội chưa thực sự bền vững, trong đó, các vụ trọng án phức tạp có xu hướng gia tăng và chưa được kiềm chế triệt để; tại một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững và vẫn còn để xảy ra tình trạng tái nghèo; một số nơi có biểu hiện hài lòng với kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Trung ương, vẫn có nơi còn huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới,…

Trên tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X): nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, trong những tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, chỉ đạo triển khai thực hiện để đạt những mục tiêu cao hơn.

Văn phòng Điều phối NTM Thừa Thiên Huế