Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

1740
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 09:44 31/03/2020
Hướng đi nào cho Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025?
Đó là chủ đề chính tại cuộc họp với các Bộ, ngành về tổng hợp, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và đề xuất cho giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chủ trì (19/3/2020,

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của cả nước và đề xuất về việc tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo dự kiến, mục tiêu của giai đoạn này là xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực và đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh, vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Trên cơ sở Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ủy ban dân tộc đề xuất xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, căn cứ Luật đầu tư công, Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và triển khai Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn hướng dẫn các Bộ, ngành về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và đề xuất định hướng cho giai đoạn 2021-2025.

Theo Nghị quyết số 100/2015/QH13, hiện có 02 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Ngày 18/11/2019, Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14). Theo đó, ngày 15/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2020) để thực hiện từ năm 2021. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao làm Chủ tịch Hội đồng (Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 07/3/2020).

Quyết định số 1722/QĐ-TTg bao gồm 05 dự án thành phần: Chương trình 30a nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo; Chương trình 135 nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Các dự án phù hợp với các địa phương, được triển khai công khai minh bạch, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, còn có khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao…

 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tới là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững; xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người ở mọi nơi; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, tạo việc làm tốt cho tất cả mọi người; giảm bất bình đẳng trong xã hội;…

Ngoài 03 Chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đưa ra đề xuất ban đầu của các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới và nhận được các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành cũng như các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đạt được những kết quả quan trọng, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các chương trình mục tiêu quốc gia đều liên quan đến an sinh xã hội, do vậy cần phải căn cứ theo Luật đầu tư công để đánh giá, rà soát để tránh sự trùng lặp.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu và cho biết, năm 2020 là năm hoàn thành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các cơ quan chủ quản phải đánh giá các kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Từ đó, đưa ra đề xuất xây dựng chương trình mục tiêu giai đoạn tới, trong đó cần làm rõ lý do đề xuất, tên, mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình; nguồn lực cần thiết cho chương trình; cơ chế, giải pháp thực hiện… để báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia đều hướng tới mục tiêu phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của từng giai đoạn cụ thể trong phạm vi cả nước; hướng đến những người yếu thế trong xã hội, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thụ hưởng trực tiếp cho người dân…

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới cần chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để rà soát kỹ lưỡng, tránh trùng lặp, đặc biệt là bám sát quy định tại Luật đầu tư công để xây dựng, đảm bảo tính khả thi cao khi thẩm định và tổ chức thực hiện hiệu quả trong giai đoạn tới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước./.

VPĐP NTM TTH (TH)