Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

1187
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 09:00 20/02/2020
Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2020
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ các chương trình MTQG tỉnh chủ trì cuộc họp.

Về cơ bản, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mới được triển khai trong thời gian ngắn song đã đạt được một số kết quả ban đầu khá tích cực như bộ máy tổ chức thực hiện chương trình OCOP đã được kiện toàn, các đề án/kế hoạch triển khai đã được ban hành; các huyện/thị xã đã triển khai Chương trình OCOP, hiện đã có 18 sản phẩm hoàn thiện đã được cấp vốn để thực hiện; hội chợ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 để quảng bá sản phẩm tiềm năng OCOP tổ chức thành công với hơn 2.500 lượt khách tham quan, mua sắm…Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên tỉnh thực hiện Chương trình OCOP nên còn nhiều lúng túng, vướng mắc trong thực hiện nên tiến độ còn chậm, một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến chương trình OCOP, các chủ thể doanh nghiệp còn rất bị động, nguồn vốn thực hiện chương trình OCOP từ nguồn vốn Chương trình MTQG Xây dựng NTM nên một số sản phẩm, dự án không thuộc đối tượng hỗ trợ từ nguồn vốn này.

Trong năm 2020, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 34 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp tiêu chuẩn hóa sản phẩm và đánh giá xếp hạng 3 sao; có 4-5 sản phẩm phấn đấu đạt 4-5 sao; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nâng giá trị sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, huyện và các đơn vị liên quan đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận đưa ra các khó khăn, vướng mắc khi bắt tay thực hiện chương trình OCOP. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Thừa Thiên Huế là tỉnh có khá nhiều sản phẩm có tiềm năng cao, và mặc dù chúng ta đã nghiêm túc thực hiện nhưng tiến độ vẫn chậm, yếu do đó cần phải tìm ra các giải pháp, hướng đi phù hợp và hơn hết là cần phải có sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là thủ tục giải ngân, chuyển nguồn, phê duyệt ở cấp huyện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị tư vấn tiếp tục hỗ trợ, giúp các huyện thực hiện tốt chương trình. Các tên trong danh mục cần được điều chỉnh lại cho hợp lý. Đề nghị Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sắp xếp họp hàng tháng với các sở ngành, địa phương.để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tin tưởng với những kinh nghiệm chúng ta đã làm và mức độ quyết tâm cao nhất, “máu lửa” nhất, chắc chắn sẽ thực hiện được nhiệm vụ, kế hoạch đã đặt ra, phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương .

CTV