Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

1007
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 08:03 08/11/2019
Tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề truyền thống phát triển
Chiều ngày 06/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cùng với lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đi kiểm tra công tác bảo tồn và hoạt động sản xuất của làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, làng nghề Đệm bàng Phò Trạch, làng nghề Đan lát Bao La và nghề chưng cất tinh dầu tràm truyền thống tại công ty sản xuất tinh dầu Hoa Nén.

Đến thăm HTX Mây tre đan Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Nơi đây, các sản phẩm được tạo ra đều làm từ vật liệu tre và mây. Bên cạnh những sản phẩm với các loại vật dụng gần gũi trong gia đình như thúng mủng, rổ rá, giần sàng, nong, nia, lồng bàn… HTX Mây tre đan Bao La đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công chất lượng cao như mô hình cầu ngói Thanh Toàn, tháp Linh Mụ, các loại đèn treo trang trí, ghế... Hiện hợp tác xã đang có hơn 120 lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, HTX đang đào tạo nguồn nhân lực để tăng gia sản xuất, đáp ứng nguồn cung cho thị trường hiện nay.

Sau khi tham quan cơ sở sản xuất và các sản phẩm tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định biểu dương những thành quả mà HTX Mây tre đan Bao La đã đạt được trong thời gian vừa qua, nhất là các sản phẩm của HTX đã có được chỗ đứng trên thị trường cũng như giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Để HTX Mây tre đan Bao La phát triển đúng tiềm năng, thực lực của mình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đề nghị HTX tiếp tục nghiên cứu, tạo ra sản phẩm đặc trưng, nét riêng cho làng nghề nhằm tạo ấn tượng cho khách hàng cũng như khách du lịch. Bên cạnh đó, HTX cần liên kết, phát triển các tour trải nghiệm làng nghề; xây dựng khu dịch vụ, trưng bày các sản phẩm độc đáo, tinh xảo của HTX và các đặc sản của địa phương, từng bước mở rộng quy mô, phát triển bền vững.

Tại làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên thuộc huyện Phong Điền. Ông Lê Văn Trực, Trưởng Ban Ban quản lý làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên cho biết, làng nghề là nơi tập trung các người thợ giỏi, có tay nghề cao. Các kỹ thuật chạm lọng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm sâu, chạm cạn, chạm chấm phá, chạm khảm (gỗ trên gỗ)...là những nét độc đáo của thợ Mỹ Xuyên.

Ông  Lê Văn Trực chia sẻ, hiện nay, mức thu nhập bình quân của người lao động làng nghề từ 9-11 triệu/tháng, tuy nhiên, số người học nghề ngày càng ít đi, từ đó gặp nhiều khó khăn trong việc gìn giữ làng nghề. Bên cạnh đó, làng nghề đang gặp khó khăn trong việc vay vốn để thu mua nguyên vật liệu, đầu tư máy móc và mở rộng cơ sở sản xuất.

Qua trao đổi với Trưởng Ban Ban quản lý làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định ghi nhận những khó khăn mà cơ sở đã gặp phải trong thời gian vừa qua; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tăng cường phối hợp, bàn bạc, tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc mà cơ sở đã gặp phải trong thời gian vừa qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các nghệ nhân của làng nghề tiếp tục yêu nghề cũng như kèm cặp, dạy nghề cho những người trẻ, qua đó gìn giữ nghề điêu khắc gỗ và những nét tài hoa của người thợ nơi đây.

Đối với làng nghề Đệm bàng Phò Trạch thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền. Hiện làng nghề có hơn 300 hộ làm nghề, chủ yếu là lao động nữ. Làng nghề có hai dòng sản phẩm, gồm: sản phẩm truyền thống và sản phẩm cao cấp. Trong đó, các sản phẩm cao cấp được sản xuất theo tiêu chuẩn mới, chú trọng đến tính thẩm mỹ, tiện lợi, tính dân gian và tính thân thiện với môi trường. Đặc biệt, làng nghề đang nghiên cứu, phát triển sản phẩm ống hút, giỏ đựng từ cây cỏ bàng để cung ứng cho thị trường.

Trao đổi với nghệ nhân Nguyễn Viết Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đánh giá cao những sản phẩm được đan bằng nguyên liệu tự nhiên này. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh trục vớt bèo lục bình trên địa bàn tỉnh, đây là được xem là nguyên vật liệu có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nghệ nhân Nguyễn Viết Nam nghiên cứu, xử lý nguyên liệu bèo lục bình để chế tạo sản phẩm; đồng thời phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường như giỏ sách, túi đựng nước... để cung ứng cho thị trường, góp phần giúp người dân hạn chế dùng túi ni lông sử dụng một lần.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra hoạt động sản xuất của công ty sản xuất tinh dầu Hoa Nén. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những nỗ lực của công ty trong thời gian qua. Công ty đã từng bước khắc phục những khó khăn trong những ngày đầu thành lập để vươn mình phát triển như ngày hôm nay, góp phần gìn giữ nghề chưng cất tinh dầu tràm truyền thống.

Để phát triển lâu dài, bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty cần tăng cường phối hợp với người dân địa phương để phát triển vùng nguyên liệu, nhất là doanh nghiệp phải chủ động, dẫn dắt, hướng dẫn cho người dân, phải chứng minh cho người dân thấy được lợi ích từ việc trồng cây nguyên liệu thì công ty mới có hướng đi bền vững. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ cho Công ty phát triển vùng nguyên liệu cũng như tiếp cận các chính sách đang được tỉnh triển khai.

CTV