Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

979
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 16:54 24/12/2019
Nhìn lại một năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Đệm bàng Phò Trạch - một sản phẩm OCOP tiềm năng của huyện Phong Điền
Điểm nổi bật sau hơn một năm thực hiện, chương trình OCOP đã tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt từ chương trình này không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, giúp kinh tế vùng nông thôn phát triển.

Cơ hội cho sản phẩm truyền thống

Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ khi bắt tay thực hiện, nhưng sau hơn một năm, chương trình OCOP đã “vào guồng” tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Chương trình OCOP giúp sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong chương trình OCOP, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chưa kể OCOP còn là một chương trình lớn được triển khai khắp cả nước, do đó, ngoài việc người dân là chủ thể cũng đã thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Tỉnh Trà Vinh đã chọn từ năm đến mười sản phẩm đặc trưng như: chả lụa, bánh tét... là sản phẩm OCOP của địa phương. Theo Trưởng phòng Cơ địa ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn Trà Vinh) Mai Thanh Điền, hiện nay tỉnh đã thành lập hội đồng hướng dẫn ghi mẫu mã sản phẩm để chấm điểm chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng tốt. Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ người dân dán nhãn mác, tem truy xuất hàng hóa... Nhờ có những hỗ trợ nên người dân tích cực tham gia sản xuất theo chương trình OCOP.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, chương trình OCOP cũng nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân. Trong đó, huyện đảo Lý Sơn đang tích cực nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm như: hành, tỏi… nhằm đưa sản phẩm này trở thành mặt hàng đặc trưng đại diện cho địa phương. Ông Nguyễn Vũ Nguyên, chủ cơ sở sản xuất hành, tỏi Lý Sơn, xã Hưng Vĩnh, huyện Lý Sơn chia sẻ: “Tỏi Lý Sơn là sản phẩm đặc trưng của địa phương bao năm nay. Tuy nhiên, phương thức sản xuất còn mang tính truyền thống, chưa chú ý đến nhãn mác cho nên thị trường tiêu thụ còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm tỏi do cơ sở của tôi được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn và đầu ra sản phẩm cũng được bảo đảm. Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận nên sản lượng giảm chỉ còn khoảng 60% so với mọi năm, nhưng giá tỏi lại ở mức 150 nghìn đồng/kg, gấp ba lần so với cùng thời điểm năm 2018”...

Theo Hợp tác xã Nhung Lũy, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), tại địa phương có những sản phẩm truyền thống nhưng chủ yếu làm ra để tiêu dùng như lạp xường, thịt treo gác bếp, bí xanh thơm, gạo nếp cái hoa vàng... Nhận thấy những sản phẩm đó có thể phát triển trở thành hàng hóa nên giữa năm 2018, hợp tác xã được thành lập và đăng ký các sản phẩm trên để tham gia OCOP. Đến cuối năm 2018, hợp tác xã có sản phẩm lạp xường được đánh giá và xếp hạng ba sao, từng bước được sản xuất theo chuỗi bảo đảm thu nhập ổn định cho xã viên.

Là một trong những tỉnh miền núi, có nhiều đặc sản bản địa rất thuận lợi trong việc triển khai chương trình OCOP, tỉnh Tuyên Quang có nhiều chính sách hỗ trợ người dân nhằm đưa sản phẩm vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Tuyên Quang Nguyễn Huy Hùng cho biết: “Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn, đào tạo tập huấn nhằm triển khai có hiệu quả chương trình OCOP. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu mỗi huyện, thành phố sẽ có một sản phẩm chủ lực như: dê núi huyện Lâm Bình; chè Shan tuyết huyện Na Hang, lạc huyện Chiêm Hóa, cam huyện Hàm Yên; chè, bưởi huyện Yên Sơn... Bên cạnh đó, 74 sản phẩm OCOP sẽ được hỗ trợ như: xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu; cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị.

“Mở đường” vào siêu thị

Dù nhiều sản phẩm ở các địa phương hiện nay đã “vang danh” ở thị trường trong nước và được người dân ưa chuộng nhưng hành trình lên kệ hàng ở siêu thị đối với các sản phẩm nông sản vẫn khá gian nan. Chính vì vậy, việc đưa các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt và mở hướng vào siêu thị đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết kế hoạch phối hợp hành động trong triển khai chương trình OCOP với nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng sàn giao dịch điện tử và cung ứng sản phẩm OCOP theo yêu cầu của khách hàng. Bộ cũng phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ phát động chương trình khởi nghiệp từ OCOP. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã và đang sẵn sàng cam kết đồng hành cùng chương trình, giúp đỡ địa phương trong công tác chứng nhận, chuẩn hóa sản phẩm. Nhiều địa phương ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chương trình OCOP. Trong đó, Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên trong cả nước vận động, thành lập hội doanh nhân OCOP của tỉnh. Đến nay có 12 địa phương tổ chức hội chợ OCOP cấp tỉnh và vùng, mở ra cơ hội về liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp trong nước.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, đến nay siêu thị Big C (thành viên của Central Retail) đã đồng hành cùng các tỉnh Quảng Ninh, Bến Tre tổ chức thành công 11 tuần hàng OCOP tại Big C Hạ Long, Big C Thăng Long (Hà Nội) và Big C An Lạc (TP Hồ Chí Minh). Hiện nay, Big C đang bày bán 40 sản phẩm có logo OCOP bắt mắt; đồng thời đang hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để đưa thêm 50 sản phẩm OCOP nữa vào bày bán trên hệ thống Big C và GO!. Qua đó, sẽ nâng tổng số sản phẩm OCOP bày bán tại Big C lên 90. “Từ góc nhìn của nhà bán lẻ, chúng tôi rất ấn tượng với sản phẩm OCOP vì tính khác biệt. Đây không đơn thuần là một sản phẩm hàng hóa tiêu thụ thông thường mà còn mang giá trị truyền thống, giá trị văn hóa của vùng đất đó. Nhiều sản phẩm bán chạy và có doanh số cao nhất trong quầy hàng hệ thống siêu thị Big C như: mỳ Chũ (Bắc Giang); giò me xứ Nghệ; nước mắm Cái Rồng Quảng Ninh hay lạp xường Cao Bằng...”, bà Nguyễn Thị Phương cho biết thêm.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP của Hà Nội đang triển khai giới thiệu, tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có hệ thống siêu thị. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn có 1.350 làng nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm. Đây chính là lợi thế để thành phố triển khai chương trình OCOP. Toàn thành phố phấn đấu đến năm 2020, phát triển được từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP. Để giúp các chủ thể tham gia OCOP đưa sản phẩm vào siêu thị, cơ quan chuyên môn của thành phố phối hợp hệ thống siêu thị trưng bày các gian hàng bán và trưng bày hàng nghìn sản phẩm tham gia OCOP.

Nhằm “tìm hướng” cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn vào hệ thống siêu thị, tỉnh Lào Cai vừa phối hợp Big C Thăng Long tổ chức “Tuần lễ nông sản đặc sản và sản phẩm OCOP của Lào Cai năm 2019 tại TP Hà Nội”. Trong tuần lễ này, Lào Cai trưng bày mười gian hàng với 46 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 đến 5 sao tại siêu thị trong đó có các sản phẩm như: lạp xường, thịt lợn, thịt trâu sấy, khoai sâm, nấm hương tươi, khô Sa Pa, tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù, nước tắm Dao Đỏ, măng khô Văn Bàn, ruốc cá hồi... Việc đưa các sản phẩm này đến siêu thị sẽ giúp quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng cũng như đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm của người dân Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết, hiện nay, tỉnh Lào Cai đang duy trì 70 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn, trong đó 52 chuỗi nông sản hiện đang cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP đặt ra mục tiêu đến năm 2020, sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP; phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình; đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.200 cán bộ quản lý nhà nước và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

VPĐP NTM TTH (TH)