Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/04/2024

747
+ aa -

Mô hình điển hình

Cập nhật lúc : 08:22 23/06/2020
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở một xã vùng đầm phá
Từ một xã đầm phá, ven biển nhiều khó khăn, xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) đã có nhiều nỗ lực xây dựng thành công xã điển hình nông thôn mới vùng bãi ngang tỉnh Thừa Thiên Huế

Xuất phát từ phát triển sản xuất nâng cao đời sống

Ông Nguyễn Khôi ở thôn Cương Gián cảm nhận: Chưa bao giờ Quảng Công có những đổi thay nhanh như hiện nay. Đổi thay trước hết phải kể đến là đời sống, kinh tế của người dân. Một thời, bà con khá bế tắc, loay hoay chọn hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp nên nguồn thu nhập thiếu ổn định, đời sống bấp bênh.

5 năm trở lại đây, đảng bộ, chính quyền địa phương đã nghiên cứu giải pháp và định hướng cho người dân khai thác, phát huy tiềm năng, đa dạng hóa ngành nghề nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó, các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, bền vững.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công, ông Nguyễn Đính xác định, với tiềm năng của địa phương, không có con đường nào khác ngoài nuôi trồng thủy sản, trồng trọt; nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Điều này đòi hỏi, đảng bộ, chính quyền địa phương phải tìm tòi, nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

 Trước đây, ở vùng đầm phá Quảng Công chủ yếu nuôi các loại cá có giá trị kinh tế thấp, nuôi chuyên canh tôm sú thường xuyên dịch bệnh, thua lỗ triền miên. Sau nhiều cuộc họp, bàn giải pháp, chính quyền địa phương hướng dẫn, vận động người dân chuyển sang nuôi thủy sản xen ghép với các loại giống có giá trị kinh tế cao, như tôm sú, cua, cá đối, dìa, mú… Mô hình nuôi thủy sản xen ghép hạn chế dịch bệnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định, bình quân mỗi ha đạt 130 triệu đồng/năm.

Người dân đã có sự chuyển biến tích cực, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Hàng chục ha lúa hai vụ kém hiệu quả được bà con chuyển sang nuôi tôm, các loại cá có giá trị kinh tế cao. Các diện tích lúa thường xuyên khô hạn, không chủ động nguồn nước tưới được chuyển sang trồng ớt, dưa hấu, dưa gang, lạc, khoai lang, rau màu. Các giống khoai lang tím, dưa được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ mạnh, cho thu nhập bình quân gần 80 triệu đồng/ha/vụ.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng cho phát triển sản xuất 

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công, ông Nguyễn Đính thông tin, diện mạo của Quảng Công có những đổi thay, khang trang kể từ khi triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Địa phương xác định, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ mới có thể chuyển đổi mạnh mẽ đời sống Nhân dân. Muốn phát triển dịch vụ phải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống đường giao thông phục vụ kinh doanh, đi lại. Chỉ riêng trong 5 năm trở lại đây, Quảng Công huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực, đầu tư hơn 476 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng.

Các tuyến đường nối từ Cồn Cai đến xóm Cũ, Quốc lộ 49B đến thôn Hải Thành, chợ Cồn Gai đến thôn 14, Quốc lộ 49B đến Tân An… một thời chật hẹp, cấp phối, giờ đây đầu tư nâng cấp, mở rộng khang trang, thuận lợi cho các phương tiện giao thông hai chiều. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng dọc Quốc lộ 49B với chiều dài 2km được Nhân dân tự đóng kinh phí xây dựng. Các tuyến đường liên thôn, liên hộ gia đình, ngõ xóm, các trục chính nội đồng được bê tông hóa đạt trên 90%, không chỉ thuận lợi đi lại mà còn tạo diện mạo khang trang cho địa phương. Khu tái định cư sạt lở biển, tuyến đường trên cát nối 2 xã Quảng Công - Quảng Ngạn được triển khai xây dựng.

Từ khi các công trình giao thông được nâng cấp, xây dựng khang trang, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Các dịch vụ vận tải, nhà hàng, may mặc... ra đời, phát triển mạnh không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu Nhân dân mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện nay có 5 doanh nghiệp đang nghiên cứu đầu tư xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, tắm biển, nghỉ dưỡng. Giá trị sản xuất bình quân lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng trong 5 năm qua đạt 236 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2015.

Hệ thống giao thông, hạ tầng thuận lợi tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ thương mại bán lẻ ở chợ Cồn Gai; HTX Chế biến nước mắm Tân Thành được hình thành và một số lĩnh vực kinh tế có sự liên kết, liên doanh trong sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả... Giá trị sản xuất bình quân các dịch vụ 5 năm qua đạt gần 168,5 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2015; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đính nhấn mạnh, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng; phát huy vai trò người đứng đầu tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, các đồng chí cấp ủy viên trong lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Đảng bộ luôn xác định người dân là chủ thể trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nên chú trọng công tác dân vận với phương châm mưa dầm thấm sâu, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ đó, các tầng lớp Nhân dân luôn đồng tình, thống nhất các chủ trương, đường lối, sẵn sàng hiến đất xây dựng công trình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

CTV