Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

765
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 16:57 29/10/2019
Cán bộ đảng viên đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều địa phương đã triển khai xây dựng nông thôn mới thành công nhờ phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên đi đầu trong phong trào xây dựng NTM đã tạo niềm tin để người dân làm theo.

Đảng viên đi trước

Cùng với việc quán triệt tinh thần của Đảng ủy trong cán bộ, đảng viên, ông Đậu Hải Sơn, Bí thư Chi bộ thôn An Dương, xã Thủy Bằng (TX. Hương Thủy) tự nguyện hiến 900m2 đất vườn và hơn 400 cây tràm để mở đường liên thôn An Dương - Nguyệt Biều. “Trên diện tích đất này, gia đình tôi trồng cây tràm, cây trầm hương cho thu nhập ổn định, nuôi sống cả gia đình. Thế nhưng, khi có chủ trương hiến đất mở đường, tôi sẵn sàng ngay”, ông Sơn chia sẻ.

Theo tính toán của ông Sơn, chưa kể giá trị đất vườn, trung bình mỗi kỳ thu hoạch cây tràm (5 năm) và cây trầm hương (15 năm) cũng mang lại cho gia đình một khoản tiền tương đối lớn từ 60 đến 70 triệu đồng. Vì việc chung, ông Sơn đã không ngần hiến đất để mở đường mà không đòi hỏi về quyền lợi.

Nhiều người dân xã Hương Sơn (Nam Đông) biết đến ông Pơ Loong Hồ, Bí thư Chi bộ thôn Ta Rung, bởi ông là người có công rất lớn trong thực hiện chủ trương sáp nhập các thôn. Ban đầu người dân chưa hiểu chủ trương, nên không đồng thuận việc sáp nhập. “Phải tranh thủ lấy thêm ý kiến của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thôn mới mong lay chuyển được bà con. Nghĩ thế nên tôi đã đến “gõ cửa” để gặp từng già làng, trưởng bản, người có uy tín để “xin” lời khuyên. Nhờ vậy, đến nay, thôn Ta Rung đã được sáp nhập trên cơ sở từ 4 thôn hợp lại”, Pơ Loong Hồ bộc bạch.

Tại Quảng Thành (Quảng Điền), Phó Chủ tịch UBND xã Phan Đình Sửu cho biết, từ năm 2014 đến nay, cán bộ, đảng viên và người dân trong xã đã tự nguyện hiến 5.260m2 đất nông nghiệp, 9.962m2 đất thổ cư để đầu tư nâng cấp, cải tạo hơn 11km đường giao thông nội đồng và mở rộng đường làng, ngõ xóm trên tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Trong tổng kinh phí hơn 4,8 tỷ đồng để cải tạo nhiều tuyến đường giao thông nông thôn thì người dân đã đóng góp hơn 2,3 tỷ đồng.

“Muốn vận động người dân hiến đất mở đường thì cán bộ, đảng viên phải đi đầu làm gương. Vì vậy, tôi quyết định hiến hơn 700m2 đất nông nghiệp để xã xây dựng tuyến đường nội đồng Cầu Giữa - Bàu Mới. Đây là diện tích đất ruộng rất tốt được gia đình canh tác lâu nay, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì cái chung nên tôi chấp nhận hy sinh để bộ mặt thôn, xã thêm khang trang. Ngày tuyến đường hoàn thành, người dân trong thôn ai cũng rất phấn khởi”, ông Trương Hữu Tấn, Trưởng thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành chia sẻ.

Dân tin, dân làm theo

“Bất cứ công việc gì dù khó đến mấy, nhưng nếu cán bộ, đảng viên dám hy sinh quyền lợi của bản thân để làm gương cho dân thấy, dân tin, thì chắc chắn dân sẽ làm theo”, ông Đậu Hải Sơn, Bí thư Chi bộ thôn An Dương, xã Thủy Bằng đúc rút.

Nghe theo Bí thư Chi bộ thôn An Dương Đậu Hải Sơn, người dân ở thôn An Dương đã tự nguyện hiến nhiều diện tích đất phục vụ cho sự phát triển giao thông của xã. Ông Hồ Tâm; ông Nguyễn Thanh Sinh; bà Nguyễn Thị Sáu - những người dân của thôn An Dương đã tự nguyện hiến cây, hiến đất để mở đường nội đồng Bàu Viên, đường liên thôn An Ninh về trung tâm xã dài 2km…

TX. Hương Thủy là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng NTM khi có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần, dân trí của người dân ngày càng được nâng cao. Môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn trong sạch vững mạnh. Yếu tố để dẫn đến những thành công đó là nhờ Hương Thủy đã luôn biết phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Khi xây dựng NTM, đại bộ phận người dân TX. Hương Thủy hưởng ứng rất tích cực, bằng sự đóng góp công sức, tiền của, cống hiến đất đai, tài sản… để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang, nâng cấp, xây mới đường giao thông nông thôn. Sau gần 10 năm xây dựng NTM, người dân TX. Hương Thủy đã đóng góp hàng trăm triệu đồng, hiến hàng ngàn mét vuông đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tự nguyện tháo dỡ hàng rào, công trình phụ, cây cối, hoa màu góp phần chỉnh trang bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển.

Từ năm 2016 đến nay, tổng số vốn huy động để xây dựng NTM trên địa bàn huyện Phú Lộc ước đạt trên 1.028 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhân dân đóng góp hơn 37 tỷ đồng. Đơn cử như ở xã Vinh Hưng có ông Nguyễn Xuân Uẩn tự nguyện hiến 1.200m2 đất; bà Lương Thị Chỉ ủng hộ 80 triệu đồng để xây dựng đoạn đường dài 150km, với tổng trị giá 250 triệu đồng; ông Nguyễn Bảo ủng hộ 70 triệu đồng để lắp hệ thống điện chiếu sáng dọc tuyến đường…Chỉ riêng ở Vinh Hưng, năm 2011 đến nay, người dân đã tự nguyện đóng góp 3,5 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công cùng chính quyền địa phương xây dựng 11,6km đường giao thông.

Triển khai chương trình NTM giai đoạn mới, huyện A Lưới luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, lấy sự thay đổi trong đời sống người dân làm thước đo. Không chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, A Lưới cũng đã tăng cường việc huy động sức dân. Mặt trận các cấp của huyện A Lưới đã sử dụng nhiều kênh tuyên truyền để quán triệt chủ trương, tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nên khi tổ chức thực hiện các tiêu chí đều được cán bộ và Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đến nay, nhiều gia đình ở A Lưới đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Người dân nơi đây đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, gắn với phát triển các ngành nghề. Huyện A Lưới đã phát triển thêm 120 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm; trong đó thu nhập lớn tập trung vào các hộ trồng rừng, chăn nuôi gia súc...

Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu cho biết: “Cấp ủy và Mặt trận các cấp từ huyện đến cơ sở đã phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số nên đã thu hút ngày càng nhiều già làng, trưởng bản tham gia vận động quần chúng để xây dựng NTM”.

CTV