Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

7000
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 13:58 04/07/2016
Thừa Thiên Huế: Đổi mới mô hình hợp tác xã gắn liền với xây dựng nông thôn mới
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 184 trong số 230 HTX hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới …

Các HTX nông nghiệp điển hình

Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh hiện có 184 trong số 230 HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động đã thay đổi, đăng ký phù hợp với Luật HTX năm 2012, đạt tỷ lệ 80% (cao hơn so với các tỉnh, thành phố trong nước, mới đạt khoảng 30%). Trong đó, có 158 HTX nông nghiệp, một liên hiệp HTX và bảy HTX thủy sản đang hoạt động. Tại các HTX chuyển đổi theo mô hình kiểu mới, có hơn 160 nghìn xã viên và hơn 22 nghìn lao động có việc làm thường xuyên. Các HTX nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong hướng dẫn các hộ thành viên ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cũng như nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhiều mô hình HTX nông nghiệp chuyên sâu, chuyên ngành được hình thành và ngày càng phát triển. Chất lượng của các HTX từng bước được nâng lên. Một số HTX trẻ hóa đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất, kinh doanh mới, chủ động liên doanh liên kết với các HTX và doanh nghiệp khác để gia tăng dịch vụ của HTX và phục vụ tốt hơn thành viên. Doanh thu bình quân một HTX đạt khoảng 3,5 tỷ đồng.

Tại huyện Phú Vang, HTX nông nghiệp Phú Hồ, đơn vị đầu tiên của huyện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Là HTX thuần nông, có diện tích đất trồng lúa và màu gần 520 ha, đơn vị đã vận động các xã viên thực hiện mô hình cánh đồng mẫu, quy trình sản xuất thống nhất. Bên cạnh việc đưa các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng và làm dịch vụ giống cho nông dân, sản xuất giống lúa cho Công ty Giống cây trồng của tỉnh Thừa Thiên - Huế (khoảng 80 ha/năm, cung ứng gần 500 tấn lúa giống), HTX còn tổ chức sản xuất và làm tốt các dịch vụ làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm; liên doanh, liên kết cung ứng vật tư cho các HTX nông nghiệp trong tỉnh. Từ đó, HTX đã thành lập “quầy” kinh doanh vật tư nông nghiệp di động ở các trục đường ra ruộng tại 10 cụm sản xuất; đổi mới phương thức hoạt động với phương châm “mua tại đầu mối, bán tận hộ xã viên”, nhằm giảm chi phí lưu kho, bốc vác, bảo đảm chất lượng và giá cả cạnh tranh. HTX đã đưa vật tư đến tận nhà cho các hộ xã viên đã đăng ký với giá rẻ hơn thị trường 5%; cho mua nợ không tính lãi trong thời gian nhất định hoặc đến cuối vụ thanh toán với lãi suất thấp.

HTX nông nghiệp Phú Hồ đã thực hiện mô hình chuỗi giá trị 150 ha lúa chất lượng cao, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm đầu ra, đem lại hiệu quả kinh tế cho thành viên; đồng thời, đầu tư mua sắm ô-tô vận chuyển, xây dựng nhà xưởng, sân kho với tổng kinh phí hơn một tỷ đồng. Riêng năm 2016, HTX mua 300 tấn thóc và mở rộng thêm nhà kho; hoàn thành việc xây dựng thương hiệu gạo Phú Hồ chất lượng cao. Giám đốc HTX Phú Hồ, ông Hồ Bạn chia sẻ: “Để giảm giá thành, trước hết HTX phải có nguồn tiền mặt trên cơ sở ứng trước cho công ty, đồng thời bán cho xã viên với giá thấp nhất có thể; nếu có biến động về giá thì HTX vẫn áp dụng mức giá lúc xã viên đăng ký. Mặt khác, phải cân đối đủ nguồn để cho bà con nợ mới có số lượng và doanh thu cao”.

Tại xã Phú Lương (huyện Phú Vang), gần đây, hai HTX nông nghiệp Phú Lương 2 và Phú Lương 3 đã đưa vào sản xuất hơn 700 ha lúa/vụ với năng suất bình quân đạt 64 tạ/ha. Sau khi cân đối lương thực, lượng lúa dư thừa trong các hộ dân rất lớn. Việc chuyển đổi một số diện tích, đưa vào sản xuất giống lúa mới trên diện tích 60 ha và liên kết với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh đã mở ra một hướng đi mới cho hàng trăm hộ dân trong sản xuất lúa gạo. Ông Nguyễn Cường, ở thôn Đông B (xã Phú Lương) nói: “Trước đây, chúng tôi sản xuất các giống truyền thống như Khang Dân, tuy có nhiều đặc tính khá, nhưng gạo bán rất khó. Cảnh “được mùa, mất giá” diễn ra mãi. Vụ đông xuân năm nay, được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh, bà con sản xuất giống lúa mới VT-NA2, đạt năng suất hơn 60 tạ/ha, lại được bao tiêu sản phẩm nên rất phấn khởi”. Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lương 3 Lê Thẻo cho biết: Mô hình cánh đồng mẫu lớn thật sự cần thiết cho người nông dân, giúp người dân thâm canh, bảo đảm chất lượng vật tư, giống, lại có đầu ra sản phẩm ổn định.

HTX nông nghiệp Thủy Tân (thị xã Hương Thủy) cũng là điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh với 10 loại hình dịch vụ các loại. HTX cung cấp tất cả mọi dịch vụ sản xuất cho người dân với giá ngang hoặc thấp hơn giá thị trường 5%. HTX còn hợp đồng với Công ty Giống cây trồng tỉnh để sản xuất các giống lúa chất lượng cao (bình quân 300 đến 350 tấn/năm), cho nên chủ động được giống, sản lượng. Theo Giám đốc HTX Thủy Tân Nguyễn Quang Hồng, hàng hóa cung ứng cho xã viên, bảo đảm chất lượng vì đơn vị mua trực tiếp từ công ty, không qua trung gian. Vật tư sản xuất được HTX ứng trước cho xã viên. Hằng năm, xã viên được chia lãi cổ tức dịch vụ, ai mua vật tư nhiều thì được chia lãi nhiều. Bình quân lợi nhuận của HTX tăng 18%/năm; doanh thu của HTX năm 2015 đạt hơn tám tỷ đồng, lãi hơn 500 triệu đồng.

Đổi mới nhận thức

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiệu quả hoạt động của mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đang từng bước được khẳng định. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nhiều HTX có tốc độ tăng trưởng chậm và chưa ổn định, hiệu quả hoạt động kinh tế chưa cao. Hầu hết các HTX còn yếu về năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ, thiếu vốn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng hạn chế. Hoạt động liên doanh, liên kết trong nội bộ HTX, giữa các HTX với nhau và với các đơn vị kinh tế khác chưa thật sự tích cực và mang lại hiệu quả. Số HTX làm ăn có lãi tăng nhưng giá trị đạt được còn thấp; kiến thức và kỹ năng tiếp thị và thông tin thị trường còn thiếu... Điều này cho thấy, để phát huy hơn nữa vị trí và vai trò của mô hình HTX kiểu mới trong phát triển kinh tế tập thể, vẫn còn cả một chặng đường dài khó khăn phía trước.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Đinh Khắc Đính, chính quyền một số xã, phường chưa thật sự quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của HTX, thiếu kiểm tra, giám sát, một số nơi quan tâm nhưng chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa xác định rõ hướng đi của HTX, còn khoán trắng cho HTX, thiếu quan tâm quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ trẻ có đủ trình độ, năng lực tạo nguồn kế cận cho HTX. Nhiều HTX hoạt động chưa bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, chưa huy động được nguồn vốn góp thêm từ các thành viên, chưa giải quyết dứt điểm những tồn tại trong HTX từ trước đến nay, như: vấn đề thành viên không còn hoạt động, vốn góp mang tính tượng trưng, giá trị quá thấp; nợ của thành viên với HTX kéo dài, dây dưa làm cho các HTX không có ý định mở rộng dịch vụ, ngành nghề nhằm mang lại nguồn lợi cho HTX và thành viên. Lợi ích kinh tế giữa các bên tham gia chưa rõ ràng; HTX chưa mang lại nhiều lợi ích kinh tế từ các hoạt động dịch vụ do số lượng, chất lượng và giá cả dịch vụ chưa tốt. Chậm nắm bắt thông tin về diễn biến của thị trường cho nên phản ứng chậm với những tình huống nhạy cảm trong điều hành, quản lý. Hầu hết các HTX chưa xây dựng chiến lược phát triển dài hạn; sức cạnh tranh của HTX và sản phẩm tạo ra còn manh mún, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường.

Điều tra của Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ HTX còn hạn chế, việc đào tạo chưa có hệ thống, chương trình đào tạo không thống nhất, không có tiêu chuẩn cho nên chưa phát huy hết năng lực, hiệu quả công việc. Kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, các nghị định và các thông tư hướng dẫn triển khai chậm, một số thông tư, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật HTX chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến tiến độ thay đổi, đăng ký HTX. Một số HTX sau khi chuyển đổi vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực về chất, còn đơn điệu về loại hình dịch vụ, nội dung kinh tế nghèo nàn, chất lượng phục vụ thành viên thấp, còn khó khăn trong huy động vốn góp của thành viên…

Theo đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cần đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của HTX, trong đó xác định xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá. HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển nông nghiệp hiện nay, bởi nó tạo ra sự tương tác giữa lợi ích của người nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp. Quá trình này cũng đòi hỏi các HTX chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức đến việc tìm ra hướng đi mới.

Văn phòng Điều phối tỉnh (tổng hợp)