Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 18/04/2024

974
+ aa -

Chính sách nông thôn mới

Cập nhật lúc : 08:09 08/11/2019
Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế ; tỉnh xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tạo cơ chế cũng như vận động các doanh nghiệp hợp tác với người dân để sản xuất nông sản hàng hóa, tạo sự chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, nông thôn.

Trong nông nghiệp đã hình thành một số mô hình chuyên canh, có năng suất và chất lượng cao; hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn với trên 4 nghìn ha, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn khởi sắc. Toàn tỉnh đã huy động được một nguồn lực khá lớn với 11.100 tỷ đồng. Trong 9 năm (2010 - 2019), đã xây dựng mới và nâng cấp 120 công trình giao thông hạ tầng nông thôn, 31 công thủy lợi, 179 công trình trường học, 55 công trình nhà văn hóa trung tâm xã, 22 công trình nước sạch...

Đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 31,4 triệu đồng/người/năm, cao gấp 2,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 7,25%, giảm hơn 50% so với năm 2010.

Tuy nhiên, quá trình thực thực hiện các tiêu chí NTM vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là những tiêu chí đòi hỏi về nguồn kinh phí lớn, như cơ sở hạ tầng, đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, tiêu chí thu nhập, hộ nghèo... Để hoàn thành lộ trình xây dựng NTM đúng thời gian vẫn là một bài toán nan giải đòi hỏi sự nỗ lực của các địa phương, sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp, các ngành.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2016 - 2020, hộ nghèo, cận nghèo thực hiện dự án phát triển sản xuất thuộc chương trình NTM và chương trình giảm nghèo bền vững được hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi với mức hỗ trợ giống tối đa 80% và không quá 12 triệu đồng/hộ/mô hình; hỗ trợ vật tư tối đa 70% và không quá 12 triệu đồng/hộ/mô hình.

Đối với hộ khác (không phải hộ nghèo, hộ cận) sẽ được hỗ trợ tương ứng với mức hỗ trợ giống tối đa 50%, vật tư tối đa 30% và không quá 7 triệu đồng/hộ/mô hình; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nghề mới, mua sắm ngư lưới cụ tăng năng lực đánh bắt thuỷ sản nhưng không quá 30 triệu đồng/tàu. Theo đó, nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp được triển khai.

Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ví như, dự án đầu tư cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng công trình và mua sắm thiết bị; tối đa không quá 500 triệu hoặc 1 tỷ đồng tùy theo loại hình; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được hỗ trợ từ 80 triệu đến 1 tỷ đồng tùy theo quy mô, công suất giết mổ. Dự án đầu tư cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá đánh bắt xa bờ được hỗ trợ từ 250 - 500 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh đang tập trung phát triển các nông sản sản phẩm hàng hóa chủ lực gắn với khai thác lợi thế so sánh theo 3 vùng sinh thái, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao giá trị gia tăng. Mỗi sản phẩm chủ lực hình thành ít nhất một doanh nghiệp mạnh giữ vai trò “đầu kéo”, tạo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từ “sản xuất đến bàn ăn”.