Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

984
+ aa -

Chính sách nông thôn mới

Cập nhật lúc : 10:34 04/03/2019
Xây dựng nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Đó là ý kiến chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ sáng 02/3 tại chuyến thăm, kiểm tra các mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện Phong Điền.

Đẩy mạnh sản xuất hữu cơ

Đến kiểm tra tình hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Phong Điền, Giám đốc HTX An Lỗ -  Nguyễn Ba cho biết, từ năm 2016, mô hình sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu được triển khai trên diện tích trồng lúa truyền thống tại xã Phong Hiền và giao cho HTX Nông nghiệp An Lỗ thực hiện. Địa phương đã vận động bà con xã viên thực hiện dồn điền đổi thửa để sản xuất tập trung. Từ diện tích thí điểm ban đầu, đến nay đơn vị đã đưa vào sản xuất 22 ha/vụ, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 50 tấn lúa hữu cơ. Đặc biệt, mô hình lúa hữu cơ kết hợp với thả vịt chạy đồng đang mang lại hiệu quả cao trong sản xuất tại xã Phong Hiền. Đầu ra của sản phẩm ổn định ở một số cửa hàng, chợ trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ hoan nghênh tinh thần chủ động dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ, chất lượng cao trên địa bàn huyện Phong Điền. Đây là mô hình mang lại hiệu quả cho việc đầu tư sản xuất, thuận tiện trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng các loại phương tiện cơ giới hóa vào hỗ trợ sản xuất, góp phần xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. “Huyện Phong Điền cần nhân rộng mô hình trồng lúa hữu cơ tập trung, phải hình thành được chuỗi phân phối từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nhằm hướng đến sản xuất bền vững, cần có giải pháp nâng chất lượng lúa hữu cơ, tập trung phát triển nền nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu người dân và thị trường tiêu thụ.” Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu

Sau khi kiểm tra mô hình trồng lúa hữu cơ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đoàn đã đên kiểm tra mô hình trồng sen, thanh trà và rau trên cát tại các xã Phong Hiền, Phong Thu, Phong Bình, Điền Lộc, Điền Môn. Hiện nay, toàn huyện Phong Điền có gần 400 ha sen, trong đó tại xã Phong Hiền có 80 ha, là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây (thu nhập gấp 3 lần cây lúa).

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, cây sen hiện đang là một sản phẩm được tỉnh quan tâm để xây dựng thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Việc phát triển và xây dựng thương hiệu sen Huế rất cần các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng, chuyển đổi mô hình các diện tích sản xuất kém chất lượng sang trồng sen cho thu nhập cao. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu tìm lại giống sen gốc của Huế, rà soát diện tích lúa vùng thấp trũng hiệu quả thấp và một số diện tích khác như các trằm, bàu, hồ… để vận động người dân chuyển đổi trồng sen kết hợp nuôi cá. Đồng thời, tổ chức triển khai quy hoạch, nhân rộng các vùng trồng sen trên địa bàn; chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm từ cây sen. Từng bước hình thành thương hiệu Sen Huế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Đối với 140 ha cây thanh trà ở xã Phong Thu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương nghiên cứu thành lập HTX chuyên về cây thanh trà và học hỏi mô hình tổ chức sản xuất, bảo quản hiệu quả tại HTX thanh trà Thủy Biều. Quan trọng vẫn là viêc xây dựng và bảo vệ được thương hiệu thanh trà Phong Thu. Hình thành nên chuỗi cung ứng sản xuất cho người nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tránh hiện tượng được mùa mất giá, được giá mất mùa, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.

Nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, hình thành đươc thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các đơn vị liên quan và địa phương nghiên cứu để phát triển sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện ở các vùng quy hoạch phát triển sản xuất tập trung; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Cùng với đó là tập trung thực hiện công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa cho các HTX có nhu cầu. Hỗ trợ các ứng dụng khoa học - công nghệ mới, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX và người dân có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ...

 
CTV